Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp làm ăn thực thụ

(BĐT) - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông, quan điểm của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là hỗ trợ cho những DN có phương án kinh doanh tốt, hiệu quả, để tiếp sức cho thành công của họ, chứ không dàn trải. 
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cần tự mình có phương án đầu tư, kinh doanh tốt để vay vốn ngân hàng. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cần tự mình có phương án đầu tư, kinh doanh tốt để vay vốn ngân hàng. Ảnh: Lê Tiên

Đối với gói tín dụng dành cho DN nông nghiệp công nghệ cao cũng nên dựa theo kết quả đầu ra, hỗ trợ cho người giỏi, người làm ăn thực thụ, nếu không toàn chạy tiêu chí để xin vốn hết. 

Vướng trong xác định tiêu chí

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa diễn ra, thông tin về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Cái khó hiện nay là khi Thủ tướng đã giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các NHTM chuẩn bị gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để cho DN nông nghiệp công nghệ cao vay nhưng tiến độ giải ngân nguồn vốn này rất chậm vì đang hoàn thiện các thể chế xác định thế nào là DN nông nghiệp công nghệ cao để được hưởng các ưu đãi.

“Thủ tướng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các tiêu chí đối với các DN nông nghiệp công nghệ cao”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Thông tin cụ thể, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN, cho biết, tổng dư nợ cho vay chương trình này tại các NHTM hiện vào khoảng 32.000 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân tiến độ giải ngân chậm, bà Hồng cho rằng, đây là chương trình mới, các NHTM đang hoàn thiện những văn bản hướng dẫn chi nhánh để triển khai; còn khách hàng đang tìm hiểu nên chưa nộp hồ sơ vay vốn, họ còn đang đối chiếu điều kiện cho vay theo Nghị quyết.

Phó Thống đốc NHNN chỉ ra một số khó khăn trong giải ngân như số lượng các DN được cấp giấy chứng nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; người dân và DN chưa được cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp. Vì đất thuê nên DN chưa thể có quyền sở hữu để thế chấp, vay vốn. Ngoài ra, giá trị đầu tư sản xuất có rủi ro nhưng chưa có công cụ phòng ngừa, chính sách triển khai chưa có, thị trường tiêu thụ còn nhiều e ngại.               

Nên căn cứ theo kết quả đầu ra

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các tiêu chí đối với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Ở một góc nhìn khác, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, đi từ việc xác định tiêu chí thế nào là DN nông nghiệp công nghệ cao, có đáp ứng tiêu chí hay không để cho vay ưu đãi có một số bất cập. Tiền kiểm như vậy sẽ dễ dẫn đến chuyện xin - cho để được cấp giấy chứng nhận là DN công nghệ cao, DN chạy bằng được giấy chứng nhận để xin vốn ưu đãi, chưa cần biết có ra sản phẩm khoa học công nghệ hay không.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, cách đơn giản và minh bạch hơn là xác định DN nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở kết quả đầu ra, hậu kiểm. Nông nghiệp công nghệ cao là nông nghiệp hiệu quả. Cùng trên một diện tích đất, nếu sản xuất, trồng trọt mang lại thu nhập, lợi nhuận tăng gấp đôi, gấp ba thì không có cách nào khác là phải ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng. Dựa vào kết quả đầu ra để hỗ trợ là cách làm dễ đo lường, tránh chuyện xin - cho.

Một số chuyên gia cũng đồng tình với cách làm hậu kiểm. DN không nên bắt đầu bằng việc xin hỗ trợ, mà cần tự mình có phương án tốt để có thể vay vốn ngân hàng. Sau khi thu hoạch, dựa trên kết quả đầu ra, ngân hàng sẽ “refund” - hỗ trợ lại phần lãi suất ưu đãi đối với những DN sản xuất hiệu quả. Như vậy, DN nông nghiệp công nghệ cao vừa được hỗ trợ để tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp sức cho thành công, ngân hàng cũng sẽ giảm rủi ro cho vay.

Chuyên đề