Hiệu quả cảng Cái Mép - Thị Vải chưa như kỳ vọng

BĐT-Được đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, nhưng đến nay hệ thống cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) nói chung, đặc biệt là cảng Cái Mép - Thị Vải, vẫn chưa phát huy hiệu quả như dự tính.

Chỉ mới khai thác khoảng 18% công suất

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh BR-VT, toàn bộ hệ thống cảng BR-VT có 57 dự án, riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải hiện có 35 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 5 tỷ USD. Trong 35 dự án nói trên, đến nay có 17 dự án đã đưa vào khai thác, với công suất khoảng 93 triệu tấn/năm, trong đó có 7 dự án cảng container lớn, với công suất trên 6,8 triệu TEU/năm.

Mặc dù bình quân mỗi năm lượng hàng qua hệ thống cảng biển của tỉnh BR-VT tăng khoảng 15%, trong đó có cả hàng container, tuy nhiên, so với công suất hiện có, chỉ đạt khoảng 1,2 triệu TEU/năm, tương đương 18% so với công suất. Sở dĩ việc các cảng container dôi dư công suất rất nhiều là do hiệu quả khai thác thấp, bởi sức cạnh tranh thu hút hàng và thu hút đội tàu đến cảng chưa cao.

Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh BR-VT cho biết, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc kém hiệu quả nói trên là do không có chân hàng. Bởi, thực tế cho thấy, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của BR-VT hiện chưa nhiều, trong khi sức hấp dẫn của khu cảng Cái Mép - Thị Vải chưa đủ để cạnh tranh với khu cảng TP.HCM.

Ngoài ra, nhiều bất cập đến từ phía các dịch vụ công trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển cũng khiến cho tình hình càng trở nên khó khăn. Đặc biệt, cơ chế vận chuyển hàng hóa nội bộ mà không phải thực hiện thủ tục chuyển cảng, chỉ mới được áp dụng cho 3 cảng TCOT, TCIT và TCCT thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, còn cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thì vẫn chưa được.

Một nguyên nhân khác đến từ phía hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật cũng đang khiến cho chủ đầu tư lẫn những nhà quản lý hết sức đau đầu. Đó là, tuyến đường vành đai 4 TP.HCM kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với Quốc lộ 1, đường sắt cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép, cầu Phước An kết nối đường liên cảng qua Đồng Nai… hiện chưa hoàn chỉnh nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Sức hấp dẫn của khu cảng Cái Mép - Thị Vải chưa đủ để cạnh tranh với khu cảng TP.HCM. Ảnh: NC

Ngày 3/8/2011 Bộ GTVT đã ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5), giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải và cạnh tranh không lành mạnh giữa các cụm cảng trong hệ thống cảng nhóm 5 thời gian qua làm cho hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án đầu tư, đặc biệt đối với đầu tư nước ngoài. 

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết, thời gian qua các cơ quan chức năng của Tỉnh đã tổ chức họp với các doanh nghiệp cảng biển để nghiên cứu các giải pháp thu hút tàu mẹ và hàng quá cảnh từ Campuchia, Thái Lan về cảng BR-VT. Ngoài ra còn tổ chức hội thảo về các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và phát triển dịch vụ hậu cần cảng.

Theo quy hoạch của Chính phủ, hệ thống cảng BR-VT là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế, đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, cho tàu có trọng tải trên 100.000 tấn ra vào, trong đó hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải như một trụ cột. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, theo ông Vũ Ngọc Thảo, trước mắt bãi bỏ việc bắt buộc có ca nô dẹp luồng cho tàu vào, rời cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải. UBND tỉnh BR-VT nên bỏ quy định thu phí sử dụng hạ tầng Khu công nghiệp Phú Mỹ I đối với các dự án cảng biển khu Phú Mỹ. Về lâu dài, BR-VT cần xây dựng hệ thống các trung tâm dịch vụ hậu cần cảng (logistics), hạ tầng giao thông kết nối khu cảng với mạng lưới giao thông quốc gia cả về đường bộ, đường thủy, đường sắt.

Thực tế cho thấy, thời gian qua Bộ GTVT và UBND tỉnh BR-VT đã cụ thể hóa việc tháo gỡ khó khăn nêu trên bằng những đề án, quy hoạch quan trọng.

Một loạt giải pháp đã đưa ra với hy vọng hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ đáp ứng được mục tiêu đầu tư và khai thác, thực hiện đúng chức năng đã đặt ra cho nó là cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm logistics của cả nước và khu vực. Cảng đã có, tư tưởng cũng đã thông, vấn đề còn lại chỉ là thực hiện.

Chuyên đề