Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại: Nhiều yêu cầu đối với DN

(BĐT) - Việt Nam đang ngày càng phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), đặt ra thách thức lớn cho xuất khẩu hàng hóa. Với mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước cũng như giảm thiểu tối đa rủi ro cho doanh nghiệp (DN), mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM.
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra và áp dụng 164 vụ việc phòng vệ thương mại. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra và áp dụng 164 vụ việc phòng vệ thương mại. Ảnh: Lê Tiên

Yêu cầu cấp thiết

Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng một hệ thống giám sát xu hướng xuất nhập khẩu với các nền kinh tế đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam nói riêng và các đối tác thương mại lớn khác nói chung, từ đó đưa ra cảnh báo sớm, phòng ngừa rủi ro áp dụng biện pháp PVTM.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác thông qua việc ký kết 14 FTA và đang đàm phán 3 FTA khác, trong đó có các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mức 500 tỷ USD - lớn gấp hai lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đặc biệt, các thị trường FTA chiếm tới trên 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Song, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra và áp dụng 164 vụ việc PVTM. Trong đó, có 91 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp bán phá giá, 18 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp, 21 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM và 33 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, GS.TS Phạm Tất Thắng, Chuyên gia, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho biết: “Đề án được phê duyệt sẽ tạo điều kiện để các cơ quan quản lý đưa ra những giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cả quốc gia và DN”. Theo ông Thắng, trong thương mại quốc tế, PVTM đưa ra các biện pháp để bảo vệ thị trường, cộng đồng DN đã được các nước thực hiện từ lâu. Việt Nam lâu nay mới chỉ nghiên cứu rào cản kỹ thuật trong thương mại để vượt qua nó, song với yêu cầu mới, cần phải biết đưa ra các biện pháp PVTM để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN trong nước. “Muốn đưa ra biện pháp bảo vệ thì cần phải dựa trên hệ thống pháp luật chặt chẽ, song không trái với quy định quốc tế”, ông Thắng nhận xét. 

Làm thế nào giúp DN bảo vệ chính mình?

Để thực hiện Đề án, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo sớm; nâng cao năng lực của hệ thống này.

Trong đó, về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đối chiếu Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan trong lĩnh vực PVTM với các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Từ đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác hiệu quả các hiệp định, điều ước quốc tế thông qua năng lực điều tra, cảnh báo sớm và ứng phó với các vụ việc PVTM trong và ngoài nước.

Về việc xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo sớm, Thủ tướng yêu cầu xây dựng hạ tầng, trang thiết bị máy móc, máy chủ, đường truyền để phục vụ công tác phân tích và cảnh báo theo hướng đồng bộ, hiện đại… Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ ngành trong việc tổ chức thực hiện Đề án.

Đối với DN, GS.TS. Phạm Tất Thắng lưu ý, PVTM là biện pháp phòng vệ mới, DN phải biết tận dụng biện pháp này để bảo vệ chính mình. Đó là DN cần có hiểu biết về biện pháp PVTM; nghiên cứu kỹ thị trường để biết rào cản thương mại đối với từng mặt hàng xuất khẩu; theo dõi diễn biến đánh giá thị trường để lường trước các biện pháp PVTM mà nước nhập khẩu có thể áp dụng; huy động sự hỗ trợ, vào cuộc của các cơ quan quản lý chuyên môn, DN cùng ngành hàng...

Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, khi xảy ra các vụ việc PTVM, DN cần có sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra, Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng để làm rõ vụ việc.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, DN phải coi trọng công tác tự cảnh báo, xem xét kỹ các nguy cơ để đưa ra phương án kinh doanh thích hợp như điều chỉnh tần suất bán hàng, giá cả, phương thức thanh toán... Bên cạnh đó, DN cần tiến tới chuẩn mực các chứng từ sổ sách và quy trình hạch toán kế toán nhằm minh bạch thông tin. Thông tin minh bạch, được kiểm định độc lập theo đúng chuẩn quốc tế chính là các bằng chứng mạnh mẽ nhất để tự bảo vệ DN.

Chuyên đề