HAGL Agrico - từ “con cưng” đến “tội đồ”

(BĐT) - Gần 1 năm trước Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) mang công ty con là Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HNG) niêm yết chính thức trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (ngày 20/7/2015). Khởi điểm với mức giá 28.000 đồng/CP, HNG đã từng là một cổ phiếu tiềm năng và được đánh giá cao khi lĩnh vực hoạt động nông nghiệp được cho là giàu tiềm năng và tương đối bền vững.
HAGL Agrico từng được coi là một doanh nghiệp giàu tiềm năng. Ảnh: Huyền Trang
HAGL Agrico từng được coi là một doanh nghiệp giàu tiềm năng. Ảnh: Huyền Trang

Từ “con cưng”

HAGL Agrico là trụ cột kinh doanh trong tập đoàn của ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAGL (thường được gọi là bầu Đức) khi mảng nông nghiệp mấy năm trở lại đây đóng góp tỷ trọng lớn về doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này. Tuy nhiên, cho đến khi niêm yết, HAGL Agrico vẫn thuộc dạng “tài sản bí mật” khi hầu hết thông tin về Công ty đều không được công bố ngoài những thông tin có trong báo cáo hợp nhất của HAGL.

Lợi thế của HAGL Agrico so với các công ty nông nghiệp khác là ở quy mô và những ưu đãi công ty này nhận được. Đơn cử, cánh đồng cao su của HAGL Agrico mặc dù mới bắt đầu trồng từ năm 2007 nhưng diện tích được cấp phép lên tới 100.000 ha đất liền thửa, nằm trên ranh giới 3 nước Đông Dương và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ 3 nước. Trong 5 doanh nghiệp (DN) cao su tự nhiên đang niêm yết, Công ty CP Cao su Phước Hòa có diện tích khai thác lớn nhất, cũng chỉ ở mức 10.700  ha. Mía đường của HAGL cũng vừa nhận được những ưu đãi từ Bộ Công Thương trong việc nhập khẩu về Việt Nam. Nên nhớ rằng đây là một trong những sự việc gây tranh cãi  gay gắt giữa Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía đường….

Với nhiều ưu đãi trong hoạt động, HNG lên sàn,  giá khởi điểm lên tới 28.000 đồng/CP. Trong khi đó, cổ phiếu HAG đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/7/2015 ở mức giá 18.600 đồng/CP. Về chênh lệch này, đại diện HAGL cho rằng, không phải HAGL Agrico được định giá cao, mà là do HAGL bị định giá thấp. Một trong những nguyên nhân HNG có giá cao hơn HAG là do công ty con có hệ số nợ thấp hơn công ty mẹ.

Đến “tội đồ”

Không chỉ khiến tài sản của công ty mẹ HAGL bốc hơi, với quy mô vốn điều lệ lên tới 7.671 tỷ đồng, sức “công phá” của HAGL Agrico trở nên rất ghê gớm.
Mức giá 28.000 đồng/CP của HNG được SSI (CTCP Chứng khoán Sài Gòn) – một trong những công ty chứng khoán hàng đầu đưa ra  có lẽ đã đủ tin cậy đối với nhà đầu tư. Cho đến cuối năm 2015, HNG vẫn giao dịch xung quanh mức giá nói trên sau gần nửa năm dao động lên xuống. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, chỉ trong chưa đến 2 tháng đầu năm nay, tốc độ lao dốc của HNG khiến tài sản của các cổ đông bốc hơi nhanh chóng. Nắm giữ trên 540 triệu CP HNG (trên 70% vốn điều lệ), công ty mẹ HAGL chắc chắn là chủ thể chịu nhiều đau khổ hơn cả.

Không những vậy, các khoản vay được cầm cố bởi CP HNG cũng kéo HAGL vào thế kẹt khi liên tục bị nhắc nhở vì vi phạm những điều khoản vay vốn (do giảm giá tài sản đảm bảo). Cuộc khủng hoảng nợ vay của HAGL mang tính điển hình ở chỗ: HAGL và các công ty con nhìn chung vẫn làm ăn có lãi, nhưng dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng. Khoản lợi nhuận hàng trăm tỷ thu được không đủ để gỡ tập đoàn này ra khỏi những rắc rối xung quanh các khoản nợ vay hàng chục nghìn tỷ đồng.

Không chỉ khiến tài sản của công ty mẹ HAGL bốc hơi, với quy mô vốn điều lệ lên tới 7.671 tỷ đồng, sức “công phá” của HAGL Agrico trở nên rất ghê gớm.

Theo tài liệu trình ĐHCĐ thường niên cuối tháng 6 vừa qua, cổ phiếu HNG có thể sẽ là “tội đồ” của Công ty CP  Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agriseco) khiến công ty này thua lỗ trong năm 2016. Không đưa ra con số cụ thể, Agriseco cho rằng sẽ phải trích lập dự phòng lớn đối với khoản đầu vào HNG. Được biết, Agriseco nắm giữ khoảng 5 triệu CP HNG với giá vốn tương ứng 55.000 đồng/CP. Theo lưu ý của kiểm toán, nếu mức giá HNG là 9.000 đồng/CP, Agriseco sẽ phải trích thêm khoảng 148 tỷ đồng dự phòng. Hiện tại, HNG giao dịch với mức giá dưới 8.000 đồng/CP, “hứa hẹn” khoản dự phòng khủng cho Agriseco trong năm nay. Theo kế hoạch, Agriseco sẽ lỗ khoảng 219 tỷ đồng năm 2016, chắc chắn có sự đóng góp đáng kể từ HNG.

Không chỉ Agriseco, SSI với vai trò tư vấn niêm yết cho HNG, những hậu quả mà cổ phiếu này mang lại ắt không nhỏ. Tính đến cuối năm 2015, SSI nắm giữ 10,3 triệu CP HNG với giá vốn 524 tỷ đồng (tương đương gần 51.000 đồng/CP). SSI đã trích lập dự phòng 298 tỷ đồng cho khoản đầu tư này, giá trị còn lại đạt 226 tỷ đồng (tương đương 21.993 đồng/CP). Rõ ràng, so với mức giá hiện hành, SSI sẽ phải trích lập dự phòng tương đối lớn cho hơn 10 triệu CP HNG mà công ty nắm giữ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ liệu SSI đã bán ra HNG hay xử lý tài chính như thế nào đối với khoản đầu tư này. Được biết, quan hệ giữa SSI và HNG không đơn thuần là quan hệ đầu tư, mà còn là quan hệ đối tác với những cam kết riêng giữa hai đơn vị. Tuy nhiên, với quan hệ nào đi chăng nữa, HNG lao dốc cũng khiến SSI không thể phấn khởi.

Đến nay, HAGL và HAGL Agrico là một trong rất ít doanh nghiệp chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016. Sự chậm trễ của tập đoàn này khiến cổ đông càng thêm lo ngại, nhất là trong tình hình diễn biến giá cổ phiếu không mấy khả quan. Từ mức giá chênh lệch trong quá khứ, hiện tại HNG và HAG đã cùng kéo nhau xuống dưới ngưỡng 8.000 đồng/CP – mức giá mà ít người có thể hình dung cách đây 1 năm.

Chuyên đề