Hà Nội thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn

(BĐT) - Để hoàn thành sớm công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Hà Nội theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội sẽ tiến hành sắp xếp, cổ phần hóa 16 DN 100% vốn nhà nước, chủ yếu là những DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, số lượng lao động lớn.
Tổng công ty Du lịch Hà Nội là một trong số doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách sắp xếp lại trong thời gian tới. Ảnh: Tiên Giang
Tổng công ty Du lịch Hà Nội là một trong số doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách sắp xếp lại trong thời gian tới. Ảnh: Tiên Giang

Công khai 16 DN cổ phần hóa

Để thực hiện đúng chủ trương sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, TP. Hà Nội đặt mục tiêu huy động các nguồn vốn của toàn xã hội, kể cả trong và ngoài nước để đầu tư, đổi mới công nghệ, tạo thêm việc làm, nâng cao sức cạnh tranh của DN, thay đổi cơ cấu DNNN và thay đổi phương thức quản lý DN.

Việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN trực thuộc UBND TP. Hà Nội nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cổ phần thực sự làm chủ DN, qua đó thay đổi phương thức quản lý, tạo động lực thúc đẩy DN kinh doanh có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Theo nguyên tắc, UBND Thành phố chỉ tham gia nắm giữ cổ phần tại các DN theo quy định Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 50% vốn điều lệ) theo tiêu chí phân loại DNNN do Chính phủ ban hành, đối với các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần thì bán hết. UBND TP. Hà Nội đã lựa chọn cổ phần hóa 16 DN 100% vốn nhà nước gồm 5 tổng công ty, 4 công ty mẹ - công ty con, 7 công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước độc lập.

Cùng với đó, giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các hình thức sắp xếp, đối với các DN còn tồn tại giai đoạn 2011 - 2015 chuyển sang là: cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Haprosimex; phá sản Công ty Kỹ thuật điện thông; bán Cửa hàng Lương thực số 60 phố Ngô Thì Nhậm; chuyển giao Công viên Tuổi trẻ Thủ đô thuộc Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, sau đó thực hiện phá sản Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội.

Minh bạch, công khai thông tin DN

Các DNNN được cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 chủ yếu có quy mô lớn, do vậy TP. Hà Nội xác định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai cổ phần hóa phải đúng các quy định và quy trình về cổ phần hóa DNNN; đồng thời giải quyết kịp thời những tồn tại, vướng mắc phát sinh.

Quá trình cổ phần hóa cũng phải được thực hiện công khai, minh bạch. Theo đó, công khai về số lượng DNNN thực hiện cổ phần hóa, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của từng DN, công khai tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại từng DN, qua đó tạo điều kiện và niềm tin cho các nhà đầu tư mua cổ phần.

Do liên quan tới số lượng lao động lớn trong các DN này, nên Thành phố quán triệt thực hiện nghiêm túc các chính sách đối với người lao động tại các DN cổ phần hóa, quan tâm và triển khai thực hiện đúng quy định về chính sách cho người lao động và lao động dôi dư do sắp xếp lại DN, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định xã hội.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu, các tổng công ty, công ty mẹ - công ty con, công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời và có hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ động triển khai các nội dung chuẩn bị cho công tác sắp xếp, cổ phần hóa, tập trung vào các nội dung liên quan đến đất đai, tài chính, công nợ, lao động, hồ sơ tài liệu… bảo đảm công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN được thuận lợi, hoàn thành sớm kế hoạch đã đề ra và tuân thủ các quy định hiện hành.

Đối với các DN có đề xuất về lộ trình thực hiện, tỷ lệ vốn nhà nước tại DN sau sắp xếp, cổ phần hóa, báo cáo rõ nguyên nhân, biện pháp triển khai, gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình Ban Đổi mới và Phát triển DN Thành phố, UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Chuyên đề