Giá nguyên liệu “bóp nghẹt” lợi nhuận doanh nghiệp thép

(BĐT) - Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép tiêu thụ đạt 11,65 triệu tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán tăng, nhưng đa số doanh nghiệp kinh doanh thép đều báo lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn thua lỗ. Nguyên nhân được cho là do giá quặng sắt nguyên liệu tăng cao.

Giá quặng sắt quý II/2019 liên tục lập đỉnh mới

Đồng loạt báo lãi giảm

Lướt qua báo cáo tài chính nửa đầu năm 2019 của các doanh nghiệp ngành thép, một loạt doanh nghiệp như: Thép Việt Ý, Gang thép Thái Nguyên (Tisco), Thép Tiến Lên, Ống thép Việt Đức VG PIPE, Thép Dana Ý đều công bố giảm sút cả doanh thu và lợi nhuận.

Ngay với doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cả nước là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng đang chứng kiến lợi nhuận sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng ở mức cao.

Trong quý II/2019, Hòa Phát đạt doanh thu thuần gần 15.100 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2018 và 6 tháng đạt hơn 30.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý II lại giảm 7%, xuống 2.050 tỷ đồng; lợi nhuận 6 tháng giảm gần 13%, xuống 3.860 tỷ đồng.

Nguyên nhân là trong 6 tháng đầu năm, giá vốn của Hòa Phát tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng của doanh thu (14% so với 10%), đồng thời các loại chi phí cũng đồng loạt tăng mạnh, như chi phí tài chính tăng 63%, chi phí bán hàng tăng 55%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 25%.

Một doanh nghiệp thép có thị phần lớn tại miền Nam là Công ty CP Thép Pomina thậm chí còn báo lỗ lớn sau 6 tháng kinh doanh. Cụ thể, Pomina ghi nhận lỗ ròng gần 133 tỷ đồng, qua đó kéo dãn khoảng cách với mục tiêu lợi nhuận sau thuế (400 tỷ đồng) đặt ra trong năm 2019. Còn doanh thu bán hàng của Pomina đạt gần 6.185 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện gần 46% kế hoạch cả năm.

Cùng chung nỗi khổ lợi nhuận giảm mạnh, một doanh nghiệp khác có tiếng trong ngành thép là Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC báo lãi 80 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2018. 

Chi phí đầu vào tăng

Chia sẻ tại buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 5/7, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đều tăng mạnh. Tuy nhiên, giá quặng sắt ở mức 125 USD/tấn, tăng 80% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do sự kiện vỡ đập hồ chứa chất thải của mỏ quặng sắt tại Brazil khiến nguồn cung bị thu hẹp (giảm khoảng 70 triệu tấn). Điều này ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Hòa Phát.

Việc giá vốn của các doanh nghiệp ngành thép đội lên cao không khó hiểu. Theo dữ liệu giá thép trên Financial Times, tại Trung Quốc, giá quặng sắt đang liên tục lập đỉnh mới. Thị trường quặng sắt ghi nhận quý II/2019 là quý tăng giá mạnh nhất kể từ cuối năm 2016.

Ngược lại, áp lực cạnh tranh, áp lực về giá làm cho giá thép bán ra của các doanh nghiệp không tăng mạnh được như mức tăng giá nguyên liệu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tự chủ được nguồn phôi nguyên liệu sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.

Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất, đáng chú ý nhất là Hòa Phát tăng gấp đôi quy mô sản xuất trong giai đoạn 2019 - 2020. Một báo cáo của Công ty CP Chứng khoán MB ước tính, tổng công suất cán thép dài sẽ tăng khoảng 20 - 25% trong năm 2019, chủ yếu từ Hòa Phát và Pomina.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen và Công ty CP Thép Nam Kim đang đầu tư khá nhiều, với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của 2 công ty cao hơn 3 - 4 lần, do đó chịu áp lực rất lớn về dòng tiền. Cạnh tranh về giá sẽ diễn ra trong những năm tới, đặc biệt là phân khúc thép dẹt và tôn mạ, báo cáo của Chứng khoán MB cho biết thêm.

Chuyên đề