Giá dầu “phủ bóng đen” lên doanh nghiệp dầu khí

(BĐT) - Trải qua sự sụt giảm mạnh của giá dầu trong quý IV/2018, nhiều doanh nghiệp trong ngành này đã công bố kết quả kinh doanh chững lại, thậm chí còn thua lỗ.

Trong bối cảnh những lo ngại khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc kém khả quan và sản lượng khai thác dầu ở Mỹ đạt đỉnh, nhiều nhà đầu tư bày tỏ khó lạc quan về giá dầu trong năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp báo lỗ

Sau khi phục hồi về mức 86,29 USD/thùng vào ngày 3/10/2018, giá dầu bắt đầu lao dốc và kết thúc năm 2018 tại mức giá 53,8 USD/thùng (giảm 38%). Giá dầu giảm mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí trong quý IV/2018 như trường hợp của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Cụ thể, doanh nghiệp này bất ngờ báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2018. Lý giải về nguyên nhân, Công ty cho biết là do thị trường dầu thô thế giới biến động bất thường. Giá dầu thô giảm từ 86,16 USD/thùng ngày 4/10/2018 xuống còn 50,21 USD/thùng ngày 28/12/2018, tức là giảm gần 36 USD/thùng (giảm 42%) và làm cho giá sản phẩm giảm theo.

Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán. Điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn sẽ cao hơn giá thị trường.

Bên cạnh đó, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn còn chịu tác động do khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính suy giảm nghiêm trọng. Có những thời điểm giá xăng Mogas 92 thấp hơn cả giá dầu thô khiến lợi nhuận gộp quý IV/2018 âm 812 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 310 tỷ đồng.

Bất ngờ lỗ lớn trong quý IV, nhưng Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, tính chung cả năm 2018, Công ty vẫn sản xuất hơn 7 triệu tấn sản phẩm các loại, tổng doanh thu đạt 113.493 tỷ đồng, tăng 45% so kế hoạch năm 2018. Lợi nhuận đạt 3.551 tỷ đồng, tăng 2% so với kế hoạch năm 2018 (3.480 tỷ đồng).

Tương tự, Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam cũng báo lỗ 7 tỷ đồng trong quý IV/2018, kéo lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này xuống thành 23 tỷ đồng cả năm, chưa bằng một nửa so với năm 2017.

Mặc dù không thua lỗ như Lọc hóa dầu Bình Sơn hay Bọc ống Dầu khí, nhưng các doanh nghiệp lớn trong ngành như Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng báo lãi ròng quý IV/2018 giảm 13%. 

Diễn biến giá dầu Brent từ tháng 3/2018 đến 24/1/2019

Nhiều áp lực lên giá dầu

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/1/2019 (theo giờ Mỹ), giá dầu Brent giảm xuống còn 60,85 USD/thùng, còn giá dầu thô Mỹ (WTI) cũng giảm xuống còn 52,37 USD/thùng. Giá dầu giảm do lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại dẫn đến hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và sản lượng tồn kho dầu thô kỷ lục của Mỹ.

Hue Frame, Giám đốc danh mục đầu tư tại Frame Funds ở Sydney (Australia) cho biết, việc cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cũng như của các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà điều hành đang họp tại Davos, Thụy Sĩ đang tạo ra áp lực lên giá dầu.

Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới cũng có thể được nhìn nhận thông qua việc Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Sự ảm đạm của thị trường dầu cũng xuất phát từ số liệu sản lượng tồn kho dầu thô kỷ lục của Mỹ. Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh dầu của Mỹ, sản lượng dầu thô tồn kho tại thời điểm 18/1/2019 đã tăng thêm 6,6 triệu thùng thành 443,6 triệu thùng, vượt 42.000 thùng so với kỳ vọng của các nhà phân tích, trong khi các nhà máy lọc dầu đã cắt giảm 152.000 thùng mỗi ngày.

Chuyên đề