Ghi nhận lãi ảo, Eximbank nhận “quả đắng”

(BĐT) - Căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất 2015 đã kiểm toán, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa đưa cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4/2016.
Báo cáo kiểm toán 2015 đã xoay chuyển gần như toàn bộ kết quả kinh doanh của Eximbank.
Báo cáo kiểm toán 2015 đã xoay chuyển gần như toàn bộ kết quả kinh doanh của Eximbank.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa đưa cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4/2016 với lý do lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2014 đã bị điều chỉnh hồi tố từ mức 114 tỷ đồng xuống còn âm 834,6 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2015 là âm 817,5 tỷ đồng - căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất 2015 đã kiểm toán. Đây được coi là một lời nhắc nhở của cơ quan chức năng đối với nhà đầu tư khi giao dịch cổ phiếu, cần sự cẩn trọng nhất định.

Ghi nhận lãi ảo

Nếu căn cứ báo cáo trước kiểm toán của Eximbank, tình hình tài chính của nhà băng này vẫn hoàn toàn ổn, khi kết quả kinh doanh năm 2015 có lãi, lợi nhuận chưa phân phối cuối năm đạt 161,6 tỷ đồng. Báo cáo sau kiểm toán đã xoay chuyển gần như toàn bộ cục diện của Eximbank. Đầu tiên là lợi nhuận giảm sút. Từ mức 62,5 tỷ đồng xuống còn 40 tỷ đồng, tương đương mức giảm 35%. Tuy nhiên đó chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Việc điều chỉnh hồi tố là nguyên nhân khiến cổ phiếu EIB bị rơi vào diện cảnh báo như đã nói ở trên.

Theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 19/10/2015, Eximbank đã bán một số tài sản cố định là bất động sản cho Công ty CP Bất động sản E Xim (Eximland) trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2013 và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận vào kết quả kinh doanh hợp nhất các năm nói trên, lần lượt là 180 tỷ đồng, 363,4 tỷ đồng, 477,5 tỷ đồng và 96 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận Eximbank đã ghi nhận sau 4 năm từ hoạt động chuyển nhượng này là 1.117 tỷ đồng. Sau đó, Eximbank đã mua lại các tài sản này từ Eximland trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015. Kết luận của thanh tra cho rằng, Eximbank phải ghi giảm thu nhập do bán các tài sản không đúng quy định và ghi giảm các chi phí liên quan khác để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu.

Với khoản lỗ lũy kế 817,5 tỷ đồng cuối năm 2015, so với lợi nhuận khiêm tốn 2 năm trở lại đây sau điều chỉnh (lần lượt 341 tỷ đồng và 40 tỷ đồng), nếu không có gì đột biến, Eximbank có thể phải mất hàng năm để bù đắp hết khoản lỗ lũy kế nói trên.
Trên cơ sở đó, báo cáo kiểm toán của Eximbank đã điều chỉnh hồi tố đối với số liệu so sánh cho năm tài chính 2014. Điều chỉnh này giúp lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng năm 2014 được tăng lên mức 341 tỷ đồng từ con số 56 tỷ đồng trước đó. Tuy nhiên, trên bảng cân đối kế toán, phần nguyên giá tài sản cố định vô hình và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đồng loạt giảm tương đương 949 tỷ đồng.

Như vậy, việc ghi nhận lãi ảo từ việc mua/bán tài sản giữa Eximbank và Eximland đã khiến ngân hàng này nhận “quả đắng”. Đáng chú ý, kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước được ban hành ngày 15/10/2015 trước thời điểm Eximbank lập báo cáo tài chính hợp nhất 2015. Như vậy, trong trình tự lập báo cáo, ngân hàng này đã không tuân thủ kết luận thanh tra nói trên. Tất nhiên, việc tuân thủ là không bắt buộc (vì đó không phải là phán quyết của tòa án), nhưng việc “bất tuân” của Eximbank cho thấy ngân hàng này vẫn cố ý ghi nhận những khoản lãi mà Ngân hàng Nhà nước cho là không đúng quy định.

ĐHCĐ bất thường ngày 15/12/2015 của Eximbank đã từng công bố kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước. Tại buổi họp này, lãnh đạo Eximbank cho biết khoản lợi nhuận 1.117 tỷ đồng ghi nhận từ năm 2010 đến 2013 đã được ngân hàng sử dụng nộp thuế, chia cổ tức cho cổ đông trong thời gian đó. Tại thời điểm đó, Eximbank đã khắc phục được 284,8 tỷ đồng, còn 831,8 tỷ đồng vẫn phải tiếp tục chỉnh sửa. ĐHCĐ bất thường đã đề nghị lãnh đạo ngân hàng ghi nhận ngay khoản lỗ 831,8 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, kiểm toán báo cáo tài chính 2015 của Eximbank lại có ý kiến khác là điều chỉnh hồi tố, như đã nói ở trên. 

Lỗ lũy kế bao giờ hết?

Với khoản lỗ lũy kế 817,5 tỷ đồng cuối năm 2015, so với lợi nhuận khiêm tốn 2 năm trở lại đây sau điều chỉnh (lần lượt 341 tỷ đồng và 40 tỷ đồng), nếu không có gì đột biến, Eximbank có thể phải mất hàng năm để bù đắp hết khoản lỗ lũy kế nói trên.

Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán của Eximbank đồng thời hé lộ một điểm sáng về ngân hàng này, không liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh. Đó là khả năng hoàn thuế. Báo cáo của Eximbank công bố con số 129 tỷ đồng thuế ngân hàng này “nộp thừa” trong năm 2015 do lợi nhuận giữ lại được điều chỉnh từ lãi thành lỗ trên báo cáo tài chính các năm trước. Eximbank sẽ không phải nộp thuế cho đến khi hết lỗ lũy kế.

Báo cáo phân tích của Chứng khoán HSC cho biết, với kết quả này, Eximbank có thể không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến năm 2017. Một khoản lỗ lũy kế sẽ không ảnh hưởng đến thuế đã nộp trong quá khứ mà thay vào đó sẽ làm giảm thuế nộp trong tương lai thông qua việc tính toán lại số thuế đã nộp thừa – Chứng khoán HSC nhận định.

Chuyên đề