Generalexim 4 năm thua lỗ, nhiều nhà băng “mắc kẹt”

(BĐT) - Thua lỗ nhiều năm liên tiếp nhưng dường như Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Generalexim) chưa tìm ra lối thoát. Năm 2018, tình hình vẫn không khá hơn khi doanh nghiệp này tiếp tục thua lỗ. Khả năng thanh toán các khoản nợ của Generalexim bị đặt dấu hỏi. Điều đó cũng có nghĩa nhiều ngân hàng đang “mắc kẹt” tại công ty này.
VietABank hiện là chủ nợ lớn nhất của Generalexim. Ảnh: Minh Dũng
VietABank hiện là chủ nợ lớn nhất của Generalexim. Ảnh: Minh Dũng

Nhà băng nào đang tài trợ cho Generalexim?

Theo báo cáo tài chính quý IV/2018, tính đến thời điểm cuối năm 2018, tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của Generalexim là 589,4 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Báo cáo này không thuyết minh chi tiết các khoản vay của Generalexim.

Cập nhập đến thời điểm cuối quý II/2018, một chủ nợ lớn của Công ty là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) - Chi nhánh Hà Nội với khoản cho vay 302 tỷ đồng. Trong đó, số dư nợ vay bằng VND là 282 tỷ đồng và hơn 875 nghìn USD. Đây là khoản tín dụng được bảo đảm bằng lợi thế thương mại đối với quyền sử dụng 435,9 m2 đất thuê và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Generalexim tại số 7 Triệu Việt Vương, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngoài VietABank, có thể kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là chủ nợ lớn thứ hai của Generalexim với khoản tín dụng hơn 131 tỷ đồng, hay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với khoản tín dụng gần 100 tỷ đồng (cả ngắn hạn và dài hạn).

Được biết, trong thời gian gần đây, BIDV đã tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Generalexim để thu hồi nợ vay. Theo đó, tổng dư nợ của Generalexim tại BIDV tính đến ngày 30/11/2018 là 121,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 100 tỷ đồng, nợ lãi là 18,68 tỷ đồng và nợ phí phạt quá hạn là 2,88 tỷ đồng. BIDV cho biết, giá khởi điểm bán khoản nợ nêu trên là 90 tỷ đồng.

Đây là khoản nợ có tài sản bảo đảm là 20.463,4 m2 đất tại phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP. Hải Phòng có mục đích sử dụng là làm kho bãi chứa hàng đến tháng 9/2056. Tài sản bảo đảm thứ hai là tòa nhà khu dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở để bán tại 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội có diện tích sử dụng đất là 4.704 m2.

(Đơn vị tính: Tỷ đồng)

Dấu hỏi về khả năng thanh toán và hoạt động

Theo báo cáo tài chính quý IV/2018, doanh thu của Generalexim đạt 21,7 tỷ đồng (gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2017) và lỗ ròng lên tới 2,7 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2018, Công ty lỗ tới 22 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp thua lỗ. Kết quả kinh doanh thua lỗ khiến lỗ lũy kế của Công ty tại thời điểm cuối năm 2018 lên tới 298,7 tỷ đồng, vượt xa số vốn điều lệ 135,4 tỷ đồng.

Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính bán niên 2018 của Generalexim cho biết, tại thời điểm 30/6/2018, lỗ lũy kế của Generalexim là gần 292 tỷ đồng, toàn bộ các khoản vay vốn của ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ quá hạn không có khả năng thu hồi tăng lên. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty có lợi nhuận trước thuế âm 15,3 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 5 tỷ đồng. Do đó, đơn vị kiểm toán này đã đưa ra những nghi ngờ về khả năng hoạt động kinh doanh liên tục của Công ty.

Kinh doanh thua lỗ, nhưng doanh thu giảm sút mạnh mới là điều đáng lo của Generalexim. Sở dĩ nói như vậy vì khi thị phần bị giảm sút sẽ khó giúp Generalexim sớm có lãi trong thời gian tới. Điều này cũng có nghĩa các chủ nợ như VietABank, SHB hay BIDV nhiều khả năng sẽ mắc kẹt tiền tại Generalexim và phải tính tới bán đấu giá các tài sản bảo đảm của các khoản tín dụng tại doanh nghiệp này.

Chuyên đề