FPT Shop mỗi ngày thu hơn 36 tỷ đồng

Doanh thu của FPT Retail tăng trưởng 21% so với năm trước, đạt trên 13.000 tỷ đồng.

Phần lớn chỉ số tài chính của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đều tăng tích cực trong quý IV năm 2017. Cụ thể, nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam ghi nhận 3.948 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể từ 11,5% lên trên 14%. Dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng gấp rưỡi, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng đến 40%, đạt hơn 114 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt gần 13.180 tỷ đồng và 290 tỷ đồng, tương ứng mức tăng hơn 21% và 39% so với năm trước. Ước tính mỗi ngày hệ thống bán lẻ FPT Shop thu hơn 36 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng so với bình quân năm trước.

Tổng tài sản của FPT Retail đạt 3.875 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả cũng giảm một khoản tương ứng do công ty tất toán nhiều khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty từng cho biết, mục tiêu năm 2017 và ba năm tới là duy trì tốc độ tăng trưởng kép doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 24% và 33,5%. Tăng trưởng hai chữ số trong bối cảnh thị trường điện thoại có dấu hiệu bão hòa được xem là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, thông qua việc đàm phán với nhà cung cấp để cải thiện tỷ suất lợi nhuận, tận dụng lợi thế về quy mô trong quản lý hoạt động để tiết kiệm chi phí cố định trên mỗi cửa hàng và thay đổi tỷ trọng ngành hàng nên công ty tự tin vẫn bám sát chỉ số này.

Công ty cũng đang xúc tiến đầu tư cho ngành hàng mới sau khi cân nhắc các yếu tố như rủi ro thấp, ít cạnh tranh và tiềm năng phát triển lớn. Ngành hàng này nhiều khả năng sẽ đóng góp doanh thu từ năm sau.

Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, FPT Retail dự kiến lên sàn chứng khoán trước ngày 30/4. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần hiện tại ước đạt hơn 34.500 đồng. Trước đó. Tập đoàn FPT đã chuyển nhượng 6 triệu cổ phiếu (30% vốn) tại FPT Retail cho các quỹ thuộc Dragon Capital và VinaCapital để giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống còn 55%.

Chuyên đề