Dứt “bầu sữa mẹ”, Xây dựng đê kè Hải Dương ra sao?

(BĐT) - Sau gần 15 năm cổ phần hóa và 5 năm kể từ khi UBND tỉnh Hải Dương chính thức thoái hết vốn, Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương (viết tắt là Xây dựng đê kè Hải Dương) tiếp tục khẳng định vị thế với hàng loạt gói thầu lớn.
Dấu ấn đậm nét nhất của Xây dựng đê kè Hải Dương trong hơn 3 năm qua là thành tích trúng liên tiếp 10 gói thầu năm 2018. Ảnh: Tường Lâm
Dấu ấn đậm nét nhất của Xây dựng đê kè Hải Dương trong hơn 3 năm qua là thành tích trúng liên tiếp 10 gói thầu năm 2018. Ảnh: Tường Lâm

Tiền thân là Công ty Xây dựng đê kè Hải Dương được thành lập năm 1992 trên cơ sở sáp nhập 2 xí nghiệp, tháng 9/2004, doanh nghiệp nhà nước này chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tháng 12/2014, UBND tỉnh Hải Dương đã hoàn tất việc chuyển nhượng 3.090 cổ phần (chiếm 12,88% vốn điều lệ), thoái hết vốn tại Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương.

Từ chỗ chỉ có 2,4 tỷ đồng vốn điều lệ khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, đến tháng 7/2019, sau 8 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, Công ty hiện có 50 tỷ đồng vốn điều lệ.

Trong số 16 ngành nghề đăng ký kinh doanh, lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng vẫn là ngành nghề chính của Công ty. Kể từ khi cổ phần hóa cho đến hết năm 2014, Xây dựng đê kè Hải Dương đã ghi dấu ấn ở nhiều công trình lớn như: Kè chống xói lở giai đoạn II - thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; Đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bờ kè sông Vàm Cỏ Tây; Kè chắn sóng thuộc Dự án Xây dựng doanh trại Hải đội 2...

Trong hơn 3 năm trở lại đây, Xây dựng đê kè Hải Dương tiếp tục xác lập tên tuổi với nhiều gói thầu trên khắp cả nước. Đặc biệt, nhiều gói thầu có giá trị trúng thầu lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Gần đây nhất, vào tháng 5/2019, Xây dựng đê kè Hải Dương liên danh với Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình trúng Gói thầu số 27 thuộc Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi, TP.HCM. Giá trúng thầu là 112,3 tỷ đồng (giá gói thầu là 113,258 tỷ đồng).

Cũng tại TP.HCM, ngay đầu năm 2019, Xây dựng đê kè Hải Dương liên danh với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Minh Thái trúng thầu thi công cống Rạch Sơn, cống Chín Chương, cống Kênh Lộ Cũ, tuyến bờ đê Tây sông Ba Rài và tuyến bờ đê Đông sông Phú An. Giá trúng thầu là 111,666 tỷ đồng (giá gói thầu là 111,822 tỷ đồng).

Dấu ấn đậm nét nhất của Xây dựng đê kè Hải Dương trong hơn 3 năm qua phải kể đến thành tích trúng liên tiếp 10 gói thầu năm 2018, trong đó có nhiều gói thầu quy mô hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như Gói thầu XL-07 thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 có giá trúng thầu là 245 tỷ đồng (Xây dựng đê kè Hải Dương liên danh với Công ty TNHH Kỹ thuật điện và Xây dựng Ban Hin). Hay Gói thầu số 08 thuộc Dự án Hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất cây ăn trái tập trung 2 huyện Càng Long, Châu Thành và TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh (giai đoạn 1) có giá trúng thầu là 307,552 tỷ đồng (Xây dựng đê kè Hải Dương liên danh với 4 nhà thầu)... Doanh thu của Công ty năm 2018 được ghi nhận đạt 568 tỷ đồng.

Trong khi đó, 2 năm trước (2016 - 2017), trung bình mỗi năm, Xây dựng đê kè Hải Dương trúng từ 6 - 7 gói thầu. Trừ 1 gói thầu có giá trúng thầu trên 100 tỷ đồng, còn lại đa số có quy mô trên 50 tỷ đồng.

Như vậy, từ nay đến cuối năm 2020, Xây dựng đê kè Hải Dương không lo thiếu việc làm, bởi có tới 7 gói thầu xây lắp quy mô lớn phải thi công cùng lúc. Trong đó, 4 gói thầu có quy mô trên 100 tỷ đồng cho đến trên 300 tỷ đồng...

Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, Xây dựng đê kè Hải Dương vẫn còn những “hạt sạn” trong quá trình thi công các công trình. Tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình kè bờ sông Maspero, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cách đây gần 1 năm, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng đã có kết luận thanh tra về những sai phạm tại dự án này. Đó là: dự toán thừa khối lượng, thi công thiếu khối lượng so với thiết kế... Từ đó, Thanh tra Tỉnh kiến nghị thu hồi 487 triệu đồng, trong đó Xây dựng đê kè Hải Dương bị kiến nghị thu hồi trên 233 triệu đồng.

Trước đó, năm 2013, qua kiểm tra Gói thầu CV-A1.3-NDTDP thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6), Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương phát hiện đơn vị thi công (Liên danh Xây dựng đê kè Hải Dương - Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn 2) chưa thực hiện đúng theo phương án được duyệt về bảo đảm an toàn giao thông. Cụ thể là chưa thỏa thuận vùng nước thi công với cơ quan quản lý đường thủy nội địa; chưa làm thủ tục xin đổ chất thải theo quy định; kè thi công xong nhưng chưa lắp đặt hệ thống báo hiệu...

Chuyên đề