Đường sắt đặt mục tiêu ngăn đà tụt dốc, kéo khách quay lại

Năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đặt mục tiêu tập trung cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế là 158 tỷ đồng, đảm bảo đủ công ăn việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân của lao động tăng 10% trở lên.
Đường sắt đặt mục tiêu ngăn đà tụt dốc, kéo khách quay lại

Thông tin trên được ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018, ngày 20/1.

Theo báo cáo của VNR, doanh thu năm 2017 đạt 8.172,3 tỷ đồng (bằng 110,9% so cùng kỳ và 101,9% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 154 tỷ đồng, vượt so với cùng kỳ và kế hoạch. Tỷ lệ tàu khách Thống Nhất đi đúng giờ là 99,1%, đến đúng giờ chiếm 82,1%; tàu khách khu đoạn đi đúng giờ 98,1% và đến đúng giờ đạt 84,9%.

Tuy nhiên, lãnh đạo VNR vẫn nhìn nhận mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng, đổi mới các sản phẩm, dịch vụ, triển khai các chương trình giá vé, giá cước linh hoạt… nhưng những đổi mới của các Công ty vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng; công tác phát triển vận tải logistics còn chậm, vận tải từ kho đến kho chiếm tỷ trọng rất nhỏ…

"Đây là những thách thức đối với công tác chỉ đạo, điều hành của VNR trong năm 2018", ông Minh cho biết.

Ngành đường sắt đang đi đúng hướng

Ghi nhận những thành công đã đạt được của VNR, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, năm 2017 là năm khó khăn của ngành giao thông vận tải về đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động nguồn vốn xã hội hóa, đặc biệt sức ép nhu cầu vận tải cao vì vậy đặt gánh nặng lên tất cả lĩnh vực trong đó có đường sắt.

"Nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực đường sắt chưa được khởi sắc, đổi mới, nhưng vận tải đường sắt đang đi đúng hướng, linh hoạt, chuyển dịch mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh giữa các phương thức, ngành đường sắt thay vì vận tải khách đường dài chuyển hướng sang cung đoạn ngắn, tập trung vào vận tải hàng hóa. Thêm nữa, Tổng công ty đã đưa nhiều đoàn tàu ‘5 sao’ vào khai thác mặc dù các công ty đóng tàu chưa có máy móc nhưng có liên kết đa ngành như đóng tàu, hàng không, công nghiệp ôtô để đóng các đoàn tàu mới, đưa chất lượng phương tiện tốt, đẩy mạnh công nghiệp đường sắt phát triển,” ông Đông đánh giá.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng chỉ ra rào cản lớn nhất hướng đến phát triển mạnh về giao thông đó là sắp xếp các đơn vị vận tải, thoái vốn chưa hấp dẫn, quản trị doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp cơ sở chưa có thay đổi mạnh mẽ tiếp tục tích cực trong thời gian tới.

Đáp lời Thứ trưởng, ông Vũ Anh Minh cũng cho biết, năm 2018 đường sắt Việt Nam sẽ tập trung cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt để gỡ nút thắt cho vận tải, mục tiêu sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế là 158 tỷ đồng, đảm bảo đủ công ăn việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân của lao động tăng 10% trở lên.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giao thông cho rằng, với con số lợi nhuận 158 tỷ đồng mà VNR đưa ra nếu tính chung trong kế hoạch 5 năm (2017-2020) thì năm 2018 lợi nhuận của đơn vị phải đạt 182 tỷ đồng.

Vì thế, để làm được, Tổng công ty cần đẩy mạnh thực hiện kế hoạch là tăng trưởng 8-9% vận tải. Ngành giao thông hướng tới giảm tỷ trọng vận tải đường bộ, tăng tỷ trọng đường sắt, phấn đấu tới năm 2020 thị phần vận tải đường sắt đạt tỷ lệ 11% trong các loại hình vận tải.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng yêu cầu VNR tiếp tục chú trọng đến công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt như cải tạo các hầm, cầu yếu để đồng đều tải trọng giữa các cung đoạn, thay ray mới, xóa bỏ các đường ngang dân sinh, đầu tư cần chắn tự động, phát triển vận tải logistics để nâng cao năng lực khai thác đoàn tàu.

Hướng tới hành khách để phục vụ tốt nhất

Bên cạnh những mục tiêu trên, VNR còn chỉ đạo công tác quản trị an toàn giao thông đường sắt để kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2017 từ 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương), không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, giảm ít nhất 5% tai nạn chạy tàu nghiêm trọng và sự cố chạy tàu do chủ quan.

VNR tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành để được ghi kế hoạch vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng đường sắt đối với tuyến Hà Nội-TPHCM với kinh phí dự kiến là 7.000 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương giai đoạn 2017-2020; đầu tư các dự án an toàn giao thông đường sắt, bảo vệ hành lang, xóa bỏ các đường ngang dân sinh; kéo dài đường tránh tàu và thêm đường số 3 đối với ga chỉ có 2 đường đoạn tránh tàu để tăng năng lực thông qua của từng khu đoạn.

VNR cũng đầu tư phương tiện thông qua dự án nhập khẩu, lắp ráp 100 đầu máy giai đoạn 2016-2020, đóng mới 6 đoàn tàu khách thế hệ mới, thay thế các toa xe hàng lạc hậu kỹ thuật phải thanh lý; lập danh mục dự án xã hội hóa kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng dự án nâng cao năng lực xếp dỡ rút ngắn thời gian giải phóng hàng hóa, kết nối giao thông giữa các phương thức, giảm chi phí logistics...

Ông Vũ Anh Minh cho biết, đường sắt Việt Nam lấy vận tải làm trung tâm, khách là đối tượng phục vụ.

"Năm 2018, ngành sẽ cải tạo kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng đoàn phương tiện và dịch vụ… để truyền tải thông điệp đến hành khách và xã hội rằng VNR hướng tới họ để phục vụ tốt nhất”, ông Vũ Anh Minh nói.

Chuyên đề