Dự án Khu xử lý rác huyện Đông Anh, Hà Nội: Chậm tiến độ hơn 2 năm

(BĐT) - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội vừa công bố Kết luận thanh tra (KLTT) số 6644/KL-KH&ĐT về việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với Công ty CP Đầu tư Thành Quang trong việc thực hiện Dự án Khu xử lý rác huyện Đông Anh.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nhiều thiếu sót, sai phạm

Dự án có tổng mức đầu tư 768,438 tỷ đồng, trong đó vốn góp tự có của Nhà đầu tư là 158,985 tỷ đồng (chiếm 20,69%), vốn vay thương mại là 690,453 tỷ đồng (chiếm 79,31%). Thời hạn thuê đất là 49 năm, kể từ ngày 11/11/2011. Tổng diện tích đất sử dụng là 87,453 m2. Dự án được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2011, sau đó được điều chỉnh 3 lần vào các năm 2013, 2015 và 2016.

Về tiến độ thực hiện Dự án, thời gian xây dựng cơ bản thực hiện từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2017. Thời hạn đưa công trình vào hoạt động là tháng 4/2017. Tuy nhiên, tính đến thời điểm thanh tra (từ ngày 17/10 - 17/11/2019), tổng giá trị các hạng mục, công trình và dây chuyền công nghệ đã thực hiện và lắp đặt ước tính đạt 601,638 tỷ đồng, đạt 78,3% tổng mức đầu tư. Riêng máy móc, thiết bị, Nhà đầu tư mới chỉ hoàn thành lắp đặt khoảng 80%.

Đánh giá về những tồn tại, hạn chế của Dự án, KLTT nêu rõ, Nhà đầu tư còn hạn chế, lúng túng về lựa chọn công nghệ, cân đối nguồn vốn, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường. Nhà đầu tư còn để xảy ra một số thiếu sót, vi phạm quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thực hiện Dự án.

Đến thời điểm thanh tra, còn một số hạng mục của Dự án chưa thực hiện là: Nhà sản xuất gạch block; nhà điều hành khối sản xuất; nhà trưng bày và bán sản phẩm; nhà làm việc trụ sở Công ty; kho gạch block và kho nguyên liệu; nhà điều hành hệ thống kho vật liệu.

Mặc dù Dự án bị chậm hơn 2 năm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giãn tiến độ thực hiện, giãn tiến độ đầu tư, nhưng Nhà đầu tư không đề xuất bằng văn bản với cơ quan đăng ký đầu tư, không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư, báo cáo giám sát, đánh giá Dự án đầu tư theo quy định.

Đáng chú ý, tại phần diện tích đất thuộc các hạng mục kho gạch block và kho nguyên liệu, Nhà đầu tư đã xây dựng khu nhà xưởng cấp 4 (khung mái tôn) không theo giấy phép xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng được cấp. Nhà đầu tư giải trình đó là khu nhà xưởng xây dựng tạm và đang được sử dụng để tập kết nguyên vật liệu, phân loại rác thải. Tuy nhiên, UBND huyện Đông Anh cho biết, trong các năm 2016 đến năm 2019, địa phương đã 3 lần xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhà đầu tư về hành vi vi phạm này với số tiền nộp phạt là 40 triệu đồng/lần và yêu cầu tháo dỡ phần công trình trái phép, tuy nhiên đến nay công trình vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ, dù Nhà đầu tư đã chấp nhận nộp phạt...

Đặc biệt, tại thời điểm thanh tra, Nhà đầu tư cung cấp báo cáo tài chính năm 2017 và 2018, trong đó vốn chủ sở hữu lần lượt là 122,757 tỷ đồng và 113,978 tỷ đồng, không đạt mức yêu cầu so với cam kết của Nhà đầu tư khi lập Dự án (không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của Dự án được phê duyệt). Đồng thời, lợi nhuận sau thuế của Nhà đầu tư lần lượt âm 87,243 tỷ đồng và 107,521 tỷ đồng.

Nhà đầu tư chưa lường hết rủi ro

Việc chậm tiến độ và Nhà đầu tư để xảy ra các thiếu sót, vi phạm nêu trên, theo KLTT, là do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do Nhà đầu tư chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai Dự án, lựa chọn công nghệ, dây chuyền, thiết bị, máy móc, vốn... cũng như chưa cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy định về giám sát, đánh giá dự án đầu tư.

Cụ thể, sau khi có Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ cam kết tài trợ cho Dự án 65% tổng mức đầu tư. Các thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ chủ yếu được nhập khẩu từ Canada nên mất nhiều thời gian; việc giám sát, quản lý chất lượng, tiến độ bị phụ thuộc nhiều vào nhà thầu cung ứng, việc chạy thử, hiệu chỉnh hoặc phải thay thế thiết bị nhiều lần... Trong khi đó, phần thiết bị chiếm tới 80% tổng mức đầu tư của Dự án.

Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Nhà đầu tư rà soát, tính toán kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của Dự án, bởi dây chuyền công nghệ có mức đầu tư và giá thành xử lý cao nên không hiệu quả về kinh tế nếu sử dụng để đốt rác thải thông thường. Mặc dù vậy, Nhà đầu tư còn do dự, chưa quyết liệt triển khai khi cân nhắc hiệu quả kinh tế của Dự án.

Do có các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư nêu trên, đoàn thanh tra đã xử phạt Nhà đầu tư 35 triệu đồng. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND Thành phố phê bình và yêu cầu Nhà đầu tư nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật; khẩn trương lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh Dự án về tiến độ và một số nội dung Dự án; cam kết rõ tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành đưa Dự án vào khai thác, sử dụng hiệu quả...

Chuyên đề