Doanh nghiệp tiếp tục lao đao

(BĐT) - Các số liệu thống kê về tình hình doanh nghiệp tháng 4 cho thấy doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục lao đao. Trong lúc này, sự quyết liệt của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh được cộng đồng DN đặt nhiều kỳ vọng. 
Doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào những động thái quyết liệt của Chính phủ. Ảnh: LTT
Doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào những động thái quyết liệt của Chính phủ. Ảnh: LTT

Tháng 4 doanh nghiệp “chết” lại tăng

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong tháng 4/2016, số DN hoàn tất thủ tục giải thể của cả nước là 840 DN, tăng 16,02% so với tháng 3/2016. Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.584 DN, tăng 77% so với tháng trước và 4.260 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 42,7% so với tháng 3/2016.  

Tính chung 4 tháng đầu năm, số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 19.444 DN, trong đó có: 3.759 DN hoàn tất thủ tục giải thể và 15.685 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. Bên cạnh đó, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 9.450 DN.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2016, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 46.052 DN, trong đó có: 34.721 DN thành lập mới và 11.331 DN quay trở lại hoạt động.

Nhận định về con số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động trong thời gian qua, nhiều ý kiến quan ngại đây là con số bất thường, thể hiện DN đang hết sức khó khăn và rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ để tiếp sức cho DN.

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngay sau cuộc đối thoại với DN, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Cuộc họp với các thành viên Chính phủ để giải quyết các kiến nghị của DN và thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tại Cuộc họp nêu trên, lãnh đạo các bộ, ngành khẳng định cam kết, khẩn trương giải quyết, trả lời các kiến nghị của DN với tinh thần phục vụ, tạo thuận lợi tối đa cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh; sẽ có các chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; đồng thời mong muốn bản thân các DN phải nỗ lực vươn lên, đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, không chỉ dựa vào Nhà nước.

Với các kiến nghị của DN, Thủ tướng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chuyển toàn bộ cho các bộ trưởng để trên tinh thần đổi mới, quyết liệt, trả lời cho các DN, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng. Phải tôn trọng DN, phải trả lời đến nơi đến chốn, không để xảy ra tình trạng “nước đổ lá khoai, gió vào nhà trống”, Thủ tướng lưu ý.

Rất nhiều DN đang đặt nhiều kỳ vọng vào những động thái quyết liệt của Chính phủ, mong muốn Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN phải thể hiện được quyết tâm của Chính phủ là công khai, minh bạch, tạo cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý tốt nhất, tạo thuận lợi cho DN; đưa ra các giải pháp cụ thể hỗ trợ DN, chú trọng đến những lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hội nhập khi nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do để có thể không thua ngay trên sân nhà; hỗ trợ tăng số lượng DN vừa và nhỏ.

Chuyên đề