Doanh nghiệp thủy điện gặp khó

(BĐT) - Tình hình thủy văn bất lợi khi lưu lượng nước về các hồ chứa sụt giảm khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy điện không như kỳ vọng. Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp trong ngành được dự báo tiếp tục ảm đạm trong thời gian tới khi lưu lượng dòng chảy trên các lưu vực sông trong cả nước sẽ thiếu hụt từ 20 - 50% so với trung bình nhiều năm.
Lượng nước về các hồ chứa giảm đã gây ảnh hưởng đến hiệu suất phát điện của các nhà máy thủy điện trong năm 2019. Ảnh: Tiên Giang
Lượng nước về các hồ chứa giảm đã gây ảnh hưởng đến hiệu suất phát điện của các nhà máy thủy điện trong năm 2019. Ảnh: Tiên Giang

Lợi nhuận lao dốc

Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, doanh thu năm 2019 của Công ty chỉ đạt 400 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2018. Chi phí giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp của Vĩnh Sơn - Sông Hinh giảm tới 43%, xuống còn 197 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Công ty ghi nhận lãi sau thuế 159 tỷ đồng, giảm 48% so với 306 tỷ đồng đạt được trong năm 2018.

So với mức lãi kỷ lục 217 tỷ đồng năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Thủy điện Hủa Na năm 2019 chỉ đạt 68 tỷ đồng, giảm 68%. Cùng với đó, doanh thu năm 2019 cũng ghi nhận mức giảm 24%, xuống còn 662 tỷ đồng.

Câu chuyện lợi nhuận suy giảm cũng diễn ra tương tự với nhiều công ty thủy điện khác như Công ty CP Thủy điện Thác Bà (lợi nhuận giảm 37%, đạt 128 tỷ đồng), Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (lãi ròng giảm 20%, đạt 1.021 tỷ đồng), Công CP Thủy điện Cần Đơn (lãi ròng giảm 20% xuống còn 153 tỷ đồng)…

Khó khăn của các doanh nghiệp thủy điện đã được dự báo trước. Với hoạt động phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thủy văn, tình trạng El Nino quay trở lại trong năm 2019 làm giảm lượng nước về các hồ chứa đã gây ảnh hưởng đến hiệu suất phát điện của các nhà máy.

Với những doanh nghiệp đang gánh chi phí lãi vay cao như Công ty CP Thủy điện Bắc Hà thậm chí còn thua lỗ. Doanh thu cả năm của Công ty đạt 207 tỷ đồng (giảm 31% so với năm 2018), sau khi trừ đi chi phí giá vốn (115 tỷ đồng), chi phí lãi vay (125 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp, Thủy điện Bắc Hà báo lỗ tới 41 tỷ đồng năm 2019. Trong khi năm 2018, Công ty báo lãi 43 tỷ đồng. 

Dự báo bất lợi

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến ngày 14/2/2020, tổng dung tích nước hiện có tại các hồ thủy điện của EVN là 16,8 tỷ m3, thiếu hụt 13,9 tỷ m3 so với tổng dung tích các hồ (riêng lưu vực sông Hồng thiếu hụt 10 tỷ m3) và thấp hơn cùng kỳ đầu năm 2019 là 6,6 tỷ m3. Điều kiện thời tiết không thuận lợi là nguyên nhân chính khiến sản lượng điện sản xuất từ thủy điện trong tháng 1/2020 của EVN giảm tới 38,31% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 3,066 tỷ kWh.

Nhận định diễn biến nguồn nước từ tháng 2 - 7/2020, lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) cho biết, khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt nguồn nước so với trung bình nhiều năm, trong đó, thiếu hụt nhiều vào các tháng 2 - 4/2020, đặc biệt trên lưu vực sông Đà (đến các hồ chứa Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình) và trên lưu vực sông Thao. Còn tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 25 - 80%, một số sông thiếu hụt trên 90%. Từ tháng 3 - 5/2020, tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Trước diễn biến bất lợi trên, EVN dự báo, tổng sản lượng thủy điện toàn hệ thống trong 6 tháng mùa khô năm 2020 sẽ giảm 4,2 tỷ kWh so với kế hoạch.

Chuyên đề