Doanh nghiệp thành lập mới chững lại, giải pháp nào tháo gỡ?

(BĐT) - Các số liệu về đăng ký doanh nghiệp (DN) quý I/2020 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của cộng đồng DN. Trong quý I, DN thành lập mới có xu hướng chững lại, vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh giảm sút, số DN tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn tăng mạnh.
Nhiều ngành kinh tế có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều ngành kinh tế có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Ảnh: Lê Tiên

Covid-19 ảnh hưởng rõ rệt đến đăng ký doanh nghiệp

Theo cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh, sự bùng phát của dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tháng 3 năm nay đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, cộng đồng DN là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN cho thấy, số lượng DN thành lập mới trong quý I/2020 có xu hướng chững lại. Cả nước có 29.711 DN thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. “Đây là một trong những mức gia tăng số DN thành lập mới thấp nhất của quý I giai đoạn từ 2015 - 2019 (mức tăng trung bình là 10,9%). Điều này cho thấy những ảnh hưởng đang ngày một rõ rệt của dịch Covid-19 đến tình hình đăng ký DN trong nước”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá.

Vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số vốn đăng ký của các DN quý I năm nay đạt 903.788 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2019.  

6 ngành kinh tế có số lượng DN thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 22,5%); hoạt động dịch vụ khác (giảm 12,2%); kinh doanh bất động sản (giảm 11,9%)…

Bên cạnh đó, quý I cũng chứng kiến 34.889 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đáng lưu ý, số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn là 18.596 DN, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng các DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở 15/17 lĩnh vực. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết: “Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong quý I giai đoạn 2015 - 2020”.

Trong khi đó, số DN quay trở lại hoạt động trong quý I giảm  1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Các con số nêu trên thể hiện rõ tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay”. 

Thực hiện nghiêm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước tình hình đăng ký DN quý I/2020 có xu hướng chững lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp khó khăn, nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, đây là điều đáng lo ngại, bởi theo ghi nhận hàng năm, quý I thường là lúc các DN lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới với rất nhiều kỳ vọng.

Một kết quả khảo sát nhanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa thực hiện cũng chỉ ra, trong thời gian tới, nếu dịch Covid-19 không được khống chế kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển DN. Các lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, nông nghiệp… sẽ khó có thể thu hút được DN mới, trong khi các DN đang vận hành đứng trước nguy cơ dừng hoạt động do chi phí duy trì lớn. Theo khảo sát trên, “nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, có thể 74% DN sẽ phá sản, 60% số DN bị giảm trên 50% doanh thu…”.

Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ông Hiếu nhấn mạnh  giải pháp là các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo tinh thần quyết liệt, khẩn trương “chống dịch như chống giặc”.

Một giải pháp khác được ông Hiếu đưa ra là kêu gọi sự hỗ trợ của người dân cũng như các bên có liên quan hỗ trợ DN vượt qua khó khăn theo tinh thần tương thân tương ái. “Lúc này, những người cho thuê mặt bằng nên san sẻ khó khăn với DN”, ông Hiếu kêu gọi và cho rằng, nếu không san sẻ khó khăn sẽ dẫn đến hậu quả cả DN và bên có liên quan có thể đều bị thiệt hại.

Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất bãi bỏ quy định khung giờ cao điểm bán điện (9h30 đến 11h30); hỗ trợ DN bị giải thể, phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19; nghiên cứu chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không Việt Nam đến hết 31/5/2020…

Chuyên đề