Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng hơn 40%

Trong 4 tháng đầu năm nay có 15.685 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động mà không đăng ký hoặc chờ giải thể...
Doanh nghiệp tạm dừng có thời hạn hoặc không thời hạn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp tạm dừng có thời hạn hoặc không thời hạn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và hồi sinh tăng so với cùng kỳ, song số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể cũng tăng đáng kể so với thời điểm này của năm trước.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ sáng 4/5, cho biết trong 4 tháng đầu năm nay, có 34.721 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 248.244 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 22,9% (cùng kỳ tăng 9,7%), số vốn đăng ký tăng 52,8% (cùng kỳ tăng 13,3%). 

Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp đạt 7,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Có 11.311 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,7%).

Tuy nhiên, cũng có 9.450 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 15.685 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, trên 92% là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng).

Trong 4 tháng đầu năm có 3.759 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 0,8%).

Về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tính đến ngày 25/3/2016, đã thực hiện cổ phần hóa được 27 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Đến cuối tháng 3/2016, đã thoái vốn với giá trị theo sổ sách là 574,4 tỷ đồng, thu về 2.188,3 tỷ đồng, gấp gần 4 lần giá trị theo sổ sách.

Đánh giá chung về tình hình của các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận “hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn”, trong đó việc tiếp cận các chính sách phát triển, các yếu tố đầu tư kinh doanh, như mặt bằng sản xuất, kinh doanh, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều trở ngại.

Đặc biệt, cơ quan này cho rằng, con số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 4 tháng đầu năm 2016 tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 90% là doanh nghiệp quy mô nhỏ, có vốn dưới 10 tỷ đồng, số doanh nghiệp đã giải thể, phá sản tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước là một trong những thống kê đáng lưu ý. 

Chuyên đề