Doanh nghiệp phải đi nhanh hơn

(BĐT) - Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam – Cơ hội nào cho doanh nghiệp (DN), diễn ra ngày 17/5/2016 tại TP.HCM ghi nhận ý kiến đồng thuận của nhiều chuyên gia về nhận định, 10 năm tới là giai đoạn quan trọng đối với DN Việt Nam. Nếu không chịu hoặc không kịp thay đổi thì cơ hội sẽ giảm dần.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cổ phần hóa chưa như mong đợi

Theo ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cái khó nhất của doanh nghiệp (DN) tư nhân là chưa tiếp cận được một cách bình đẳng các cơ hội như DNNN. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất lớn, có liên quan đến thể chế, nên cũng không dễ thay đổi một sớm một chiều. Cũng theo ông Bùi Quang Vinh, Việt Nam cần cổ phần hóa DNNN một cách mạnh mẽ, đây là con đường phải đi, nhưng đi đến bao giờ thì vẫn là một câu trả lời rất khó.

Thực tế cho thấy, lâu nay Việt Nam cũng rất chú trọng đến việc cổ phần hóa DNNN, nhưng thực tế vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. “Có đến hàng nghìn DN được cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ thoái vốn của DNNN chỉ được 5%. Vì vậy, vấn đề cổ phần hóa phải làm quyết liệt để giúp Nhà nước thu lại được nguồn vốn và tư nhân có cơ hội tham gia cũng như điều hành ở những loại hình DN này”, ông Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hội nhập rất tốt, trong khi các DN tư nhân ở Việt Nam hội nhập rất chậm. Do vậy, đòi hỏi các DN Việt Nam phải tham gia một cách tốt nhất vào sân chơi hội nhập, đặc biệt là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chúng ta phải làm gì đó để DN Việt Nam kết nối một cách tốt nhất với các DN FDI. Nghĩa là chúng ta phải tạo ra được cơ chế hợp tác, đối tác tốt. Ngược lại, bản thân các DN FDI cũng có thể hưởng lợi từ các DN trong nước. Vì FDI đã và sẽ tiếp tục có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa nêu quan điểm.

Làm gì để thúc đẩy kinh tế tư nhân?

Phải hiểu rõ DN phát triển bền vững là thế nào. Khi đã hiểu rồi thì mỗi người sẽ có đóng góp phần sức lực của mình thông qua các sáng kiến tiết kiệm như: nguyên, nhiên liệu, cách sử dụng nước, giấy, điện cũng như cách vận hành DN. Điều này, không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí mà còn thể hiện sự đóng góp của DN vào nền kinh tế chung"
Tại Hội thảo, câu hỏi được nhiều DN quan tâm nhất là Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân? Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, Việt Nam không thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững nếu không bảo vệ được môi trường, tài nguyên. Trong lộ trình phát triển của một quốc gia, có những DN, cũng như những tổ chức không đi theo kịp. Nếu để khoảng cách càng lớn thì bất ổn càng lớn. Nên đòi hỏi phải nâng cao tầm hiểu biết chung của mọi thành phần, tầng lớp về phát triển bền vững, nhất là các DN tư nhân.

Ông Bùi Quang Vinh nhận định, hội nhập là cạnh tranh. Nếu không cạnh tranh được thì sẽ “chết” trên sân nhà. Đồng quan điểm, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho rằng, khi nói tới bài toán phát triển, rất ít khi chúng ta bàn đến giải pháp thu hút nguồn vốn giá rẻ. Trong khi đây là nguồn vốn bền vững, tạo điều kiện cho việc hình thành năng lực cạnh tranh trên thị trường hàng hoá, mà DN nước ngoài rất quan tâm. Vì vậy, theo bà Trần Anh Đào, chúng ta phải đi nhanh hơn trong vấn đề này may ra mới bắt kịp các DN FDI vì chúng ta đã xuất phát quá chậm.

“Phải hiểu rõ DN phát triển bền vững là thế nào. Khi đã hiểu rồi thì mỗi người sẽ có đóng góp phần sức lực của mình thông qua các sáng kiến tiết kiệm như: nguyên, nhiên liệu, cách sử dụng nước, giấy, điện cũng như cách vận hành DN. Điều này, không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí mà còn thể hiện sự đóng góp của DN vào nền kinh tế chung”, bà Victoria Kwakwa lưu ý.

Rõ ràng, hội nhập kinh tế là một điều tốt đẹp cho Việt Nam. Theo khảo sát của Công ty Deloitte Việt Nam, có đến 96% CEO cho rằng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một cơ hội tốt cho DN. Trong đó, 3 lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng nhất là đầu tư, chiếm 46%, chuỗi cung ứng 43% và bán hàng, marketing chiếm 35%. Theo Deloitte Việt Nam, DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân phải tạo ra các kết nối tốt hơn, đặc biệt là các quốc gia khác ngoài Đông Nam Á. Nếu DN Việt Nam không chịu hoặc không kịp thay đổi thì cơ hội sẽ giảm dần.

Chuyên đề