Doanh nghiệp nhiều ngành thiếu nguyên liệu

(BĐT) - Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (Covid-19) đến một số ngành sản xuất của Việt Nam. Báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp (DN) sản xuất của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu rất lớn ngay trong quý I này.
Những ngành hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất do thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện là điện - điện tử, dệt may và da giày, sản xuất, lắp ráp ô tô. Ảnh: Tiên Giang
Những ngành hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất do thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện là điện - điện tử, dệt may và da giày, sản xuất, lắp ráp ô tô. Ảnh: Tiên Giang

Nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu hiện hữu

Báo cáo nêu rõ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất. Những ngành hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là: điện - điện tử, dệt may và da giày, sản xuất, lắp ráp ô tô.

Cụ thể, với ngành điện - điện tử, theo Cục Công nghiệp, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%). “Đến thời điểm này, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020”, Cục Công nghiệp cho biết.

Chung cảnh ngộ, đa số DN ngành dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Do đó, khả năng nhiều DN trong ngành phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.

Tương tự, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cũng đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất ngay trong quý I. Số liệu cho thấy, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17,54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%), và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%). Đặc biệt, ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc.

Đáng ngại hơn, theo đánh giá của Cục Công nghiệp, trong trường hợp dịch bệnh kết thúc và phía Trung Quốc sản xuất, cung ứng trở lại nguồn đầu vào cho sản xuất trong nước thì giá thành nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng lên so với trước đây, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm trong nước.

Cùng vướng mắc về nguồn cung, Báo cáo cũng chỉ ra DN đang đứng trước hàng loạt vướng mắc khác do tác động của dịch bệnh Covid 19 như: khó khăn về tài chính; khó khăn về thị trường; lao động… 

Đề xuất hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Cục Công nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các DN trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguồn nguyên phụ liệu thay thế...

Với vướng mắc, khó khăn về lao động, cần tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà quản lý, lao động từ các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sớm trở lại làm việc tại Việt Nam. Đối với các lao động là chuyên gia cao cấp, cần tạo điều kiện theo phương thức ưu tiên được nhập cảnh, làm việc và cách ly tại doanh nghiệp theo hướng dẫn và trợ giúp của các cơ quan y tế.

Về tháo gỡ khó khăn tài chính cho DN, đơn vị cho rằng, Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách gia hạn thời gian trả nợ các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; Bộ Tài chính xem xét các chính sách miễn, giảm thuế, hoàn thuế VAT sớm, cho phép chậm nộp thuế hoặc không tiến hành xử phạt chậm nộp thuế đối với các doanh nghiệp chưa nộp thuế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Đối với nhóm giải pháp dài hạn, Chính phủ cần đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... Việc đầu tư nhằm khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai. Cùng với đó là tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh phụ kiện) từ Trung Quốc sang Việt Nam; quy định rõ về các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong quá trình sửa đổi pháp luật về đầu tư làm căn cứ để Chính phủ ban hành các nghị định quy định cụ thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các ngành này…

Chuyên đề