Doanh nghiệp không bỗng dưng lớn mạnh

(BĐT) - Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang được gấp rút hoàn thiện để kịp trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 diễn ra tới đây. 
Doanh nghiệp không bỗng dưng lớn mạnh

Tại Hội thảo Chính sách hỗ trợ DNNVV - kinh nghiệm từ Nhật Bản, nhiều tham vấn của đại biểu tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết cần ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV. 

Nơi khởi đầu của những doanh nghiệp lớn

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, DNNVV cũng là khu vực rất dễ bị tổn thương. Không chỉ ở những nước đang phát triển như Việt Nam, mà cả tại những nước phát triển, DNNVV cũng cần được hỗ trợ để phát triển.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, DN nhỏ của Nhật Bản có quy mô không lớn hơn DN Việt Nam, tuy nhiên quốc gia này đã có những chính sách hỗ trợ các DNNVV từng bước vươn lên thành các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Chẳng hạn như Tập đoàn Sony được thành lập năm 1945, khởi đầu là một DN chỉ có khoảng 20 lao động; Honda được thành lập năm 1948 với quy mô 34 lao động… nhưng nay các DN này đã trở thành các tập đoàn quốc tế, sở hữu khối tài sản khổng lồ với rất nhiều lao động.

Thành công này bắt đầu từ đâu? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: “DNNVV là nơi có nhiều sự sáng tạo, trí tuệ, tạo ra giá trị gia tăng mới cho đất nước, nền kinh tế. Nhưng phần quan trọng hơn, là họ đang tạo ra tới hơn 70% công ăn việc làm cho xã hội. Nắm được lợi thế này, người Nhật đã có chính sách hỗ trợ cho DNNVV rất tốt”.

Tại Hội thảo, ông Hiroshi Arai, Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, Cục DNNVV thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho rằng, khối DN này đang gặp nhiều khó khăn, cản trở quá trình phát triển. Do đó, Việt Nam cần sớm có một chính sách hỗ trợ cho DNNVV. 

Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng

Theo chuyên gia kinh tế của Nhật Bản, tình hình phát triển của khối DNNVV Việt Nam cũng giống như DNNVV Nhật Bản những năm 1960. Khối DNNVV luôn bị hạn chế về vốn, thiếu thông tin, thiếu tài sản đảm bảo… DNNVV thường đứng ở thế yếu trong giao dịch.

Nhằm hỗ trợ DNNVV, động lực tăng trưởng kinh tế, năm 1963, Nhật Bản đã ban hành Luật cơ bản về DNNVV. Cũng trong năm 1963, Luật Khuyến khích hiện đại hóa DNNVV và Luật Hướng dẫn DNNVV được ban hành, kèm theo đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ DNNVV như: thúc đẩy cải tiến, thúc đẩy phát triển sản phẩm mới, hỗ trợ đơn vị kinh doanh nhỏ, hỗ trợ triển khai kinh doanh tại nước ngoài; hỗ trợ dòng vốn của các cơ quan thuộc Chính phủ; chế độ thuế chủ yếu liên quan đến DNNVV, đơn vị kinh doanh nhỏ... Chuyên gia Nhật Bản nhấn mạnh, trong quá trình này, các chính sách phải luôn bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa DN nhỏ và DN lớn.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được hoàn thiện đã chú trọng đến các nội dung trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ khối DN này. Thứ trưởng Đông cũng khẳng định, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về DN tại Việt Nam.

“Ngay cả như Nhật Bản thì cũng phải qua 3, 4 lần sửa đổi chính sách về hỗ trợ DNNVV qua từng thời kỳ mới có được sự chuyển động, phát triển rõ rệt của khối DNNVV. Do đó, tôi cho rằng chúng ta không nên vì cầu toàn trong Dự thảo lần này mà làm chính sách hỗ trợ DN chậm đi vào cuộc sống. Khi chính sách được ban hành, quá trình triển khai sẽ chỉ ra những vấn đề của chính sách đã đúng, đủ chưa để có những điều chỉnh, nhưng sớm ngày nào thì lợi cho cộng đồng DNNVV ngày đó”, ông Đặng Huy Đông chia sẻ          

Chuyên đề