Doanh nghiệp hùng hậu - quốc gia hùng cường

(BĐT) - Nhiều năm trước đây, đi đến đâu chúng ta cũng thấy sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng giờ đây, DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng phát triển áp đảo về mặt số lượng. Đặc biệt, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã không ngừng lớn mạnh, thế chân vào những lĩnh vực mà trước đây DNNN vốn độc quyền. 
Kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Ghi nhận vai trò của khu vực tư nhân, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, gây dựng được một đội ngũ DN hùng hậu là một trong những nền tảng để đất nước đi đến mục tiêu hùng cường, thịnh vượng.

Diện mạo mới đã hình thành

Kinh tế Việt Nam trong năm 2019 “bứt phá” với nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Tăng trưởng kinh tế đạt trên 7,02%, thuộc hàng cao nhất khu vực và thế giới. “Trong kết quả này có sự đóng góp rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân”, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá và cho biết, đến nay, cộng đồng DN tư nhân Việt Nam ngày càng đông đảo. Hiện cả nước có gần 800.000 DN hoạt động cùng khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ này tạo nhiều việc làm, đóng góp rất lớn vào nền kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội.

Số liệu vừa cập nhật của Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Nếu như năm 2016, khu vực ngoài nhà nước (bao gồm kinh tế tập thể, tư nhân, hộ kinh doanh) đóng góp khoảng 38% vào tăng trưởng kinh tế thì đến năm 2018 con số này tăng lên 42% GDP. Khối tư nhân cũng đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

“Tuy nhiên, thực tế đóng góp của khu vực tư nhân trong nước lớn hơn nhiều”, nguyên Viện trưởng CIEM bày tỏ. Theo ông Cung, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 tăng 10,2% so với năm 2018, trong đó vốn khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư, khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế là đúng đắn. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy xuất khẩu. Một số DN đã vươn ra tầm quốc tế, có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, trên thị trường xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân nổi lên như: Vingroup, Trường Hải, Hòa Phát… Ngoài việc tham gia đầu tư trong lĩnh vực bất động sản thì những năm gần đây, không ít tập đoàn kinh tế tư nhân còn tham gia đầu tư vào những ngành cơ bản của nền kinh tế, đó là sản xuất ô tô, đầu tư kết cấu hạ tầng, nông nghiệp…

Trong bối cảnh bùng nổ của khoa học, công nghệ, nhiều DN tư nhân đã thành công, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin trên bản đồ khởi nghiệp thế giới như FPT, Vingroup..., khơi dậy niềm tin và sự kỳ vọng vào việc sẽ tạo bước tiến đột phá trong phát triển.

Xét về mô hình hoạt động, các tập đoàn kinh tế tư nhân có tổ chức, quản trị hiện đại. “Vì thế, tôi không bất ngờ, không ngạc nhiên với những đóng góp của kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế đất nước”, TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ và cho rằng, kết quả này không thể vô cớ mà có được. Bởi, theo ông, nhìn lại quãng thời gian 20 năm thực hiện Luật DN, Việt Nam đã có rất nhiều cải cách thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Qua các lần sửa đổi, bổ sung, đến nay, Luật DN ngày càng hoàn thiện. Luật hình thành khung pháp lý tổ chức kinh doanh đầy đủ ở Việt Nam theo thông lệ quốc tế; mở rộng quyền tự do kinh doanh, ở một mức độ nào đó đã tạo sự an toàn cho hoạt động kinh doanh, tạo ra các loại hình pháp lý của tổ chức kinh doanh cũng như bảo đảm mức độ an toàn nhất định hoạt động này.

TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ: “Quyền tự do kinh doanh bắt đầu từ Luật Công ty và Luật DN năm 1991 có quy định DN chỉ được kinh doanh những gì mà cơ quan nhà nước cho phép. Đến Luật DN năm 1999, cá nhân, DN được quyền kinh doanh những gì luật pháp không cấm; đến Luật DN năm 2014, DN được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm… kèm theo đó là mức độ an toàn của hoạt động kinh doanh”.

Khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ, những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng bộ với quan điểm của Đảng, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức đã được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ…

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Làm gì để nuôi dưỡng, chắp cánh cho kinh tế tư nhân lớn mạnh?

Tuy đất nước đã có những DN tư nhân lớn xuất hiện, nhưng theo TS. Nguyễn Đình Cung, số lượng vẫn còn rất khiêm tốn, nhất là DN tư nhân có giá trị vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nhìn vào “bức tranh” tổng thể DN Việt Nam thấy rằng, DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới hơn 97%. DN cỡ vừa rất khiêm tốn trong khi hàng năm số lượng DN khó khăn phải tạm dừng kinh doanh so với số DN thành lập mới vẫn còn cao.

“Có vẻ như các DN tư nhân của Việt Nam còn sợ lớn hoặc muốn lớn nhưng không lớn được”, ông Nguyễn Đình Cung cảm nhận và bộc bạch, những người kinh doanh cảm nhận vấn đề an toàn trong kinh doanh cực kỳ sâu sắc. Mức độ an toàn mà họ đặt ra không chỉ gói gọn ở hoạt động kinh doanh, mà mở rộng hơn đó là an toàn trong bảo vệ tài sản.

Trên thực tế, hệ thống chính sách pháp luật vẫn có những quy định còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, khó tiên liệu...; đội ngũ công chức ở nơi này, nơi kia còn tùy ý, tùy tiện. Đặc biệt, áp lực thanh tra, kiểm tra khiến hoạt động kinh doanh của DN luôn ở thế bất an.

Chẳng hạn như vấn đề bảo vệ tài sản của DN cũng đang thực thi kém. Ví dụ, trường hợp cơ quan quản lý vào kiểm tra, thanh tra rồi sau đó đưa ra một kết luận, dù chưa biết đúng/sai về việc vi phạm của DN nhưng đã khiến xã hội nhìn DN với một con mắt khác. Chỉ riêng việc nhìn DN với con mắt khác đã ảnh hưởng đến sản nghiệp của họ đầu tư một cách ghê gớm. Tiếp đó, nếu cơ quan quản lý đưa ra các hình thức xử phạt DN thì càng làm cho khách hàng của họ rụt rè trong tiêu thụ hàng hóa, các ngân hàng hạn chế cho họ vay vốn. Hệ quả là hoạt động sản xuất bị gián đoạn, dòng tiền về DN không đúng kế hoạch và toàn bộ sản nghiệp này bị ảnh hưởng. Với trường hợp này, giả sử DN không vi phạm nhưng họ lại không có công cụ nào để bảo vệ tài sản của mình vì hiện tòa án chưa phải là địa chỉ tin cậy để DN gửi gắm khi cần xử lý các tranh chấp cũng như bảo vệ tài sản, nhất là khi có tranh chấp với cơ quan nhà nước.

Nếu chúng ta đã lựa chọn mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường thì nhất định phải xây dựng đội ngũ DN mạnh, có năng lực cạnh tranh với đầy đủ quyền được đảm bảo.

Với định hướng này, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, ở góc độ thể chế, đầu tiên cần phải đổi mới tư duy về vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, rồi mới sửa hệ thống văn bản pháp luật. Tư duy quản lý phải là thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản... Hoàn thiện thị trường nhân tố sản xuất (đất đai, lao động...) để tránh quan hệ thân hữu.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy các tập đoàn tư nhân lớn mạnh thành những con sếu đầu đàn trong nền kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương cùng tích cực hơn nữa trong việc tham gia gỡ bỏ rào cản cho DN. Chẳng hạn như bỏ thanh tra tuân thủ luật pháp, chỉ tập trung thanh tra chuyên ngành. Trong đó, thanh tra chuyên ngành phải dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro và hậu kiểm, chỉ kiểm tra những DN có nguy cơ cao, chứ không phải thanh tra tìm kiếm sự vi phạm.

Đồng thời, thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại những lĩnh vực mà Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh để các tập đoàn kinh tế tư nhân thay thế đảm nhiệm.

Đối với các DN nhỏ và vừa, chúng ta cần hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân sở hữu hỗn hợp đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp...              

Chuyên đề