Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công

(BĐT) - Năm 2015 được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP. 
Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công

Bước sang năm 2016, các doanh nghiệp trong nước đã thực sự sẵn sàng nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để hội nhập thành công? Báo Đấu thầu ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý và các doanh nghiệp về vấn đề này.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 1
Cần chuyển dịch nguồn lực sang lĩnh vực có lợi thế

- Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Khả năng cạnh tranh của một số ngành của Việt Nam còn hạn chế, nhưng về tổng thể, kinh tế của Việt Nam đã có những bước chuẩn bị về hội nhập, như những cam kết trong ASEAN chúng ta đã thực hiện được tới 93% những nội dung cam kết mở cửa thị trường, chúng ta cạnh tranh với những nước trong ASEAN là những quốc gia có tính trạnh tranh cao.

Về tổng thể thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới không phải là kém, nhưng trong một số ngành cụ thể thì năng lực cạnh tranh  vẫn chưa đảm bảo cho quá trình hội nhập. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thời gian để chuẩn bị những bước cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong những ngành này; thậm chí có những bước cơ cấu lại, chuyển dịch lao động, chuyển dịch nguồn lực sang những lĩnh vực chúng ta có lợi thế so sánh tốt hơn để tạo lợi thế tốt hơn trong tổng thể nền kinh tế.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 2
Doanh nghiệp cần chủ động phát triển bộ phận nghiên cứu thị trường

- Bà Vũ Vân Phượng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại

Về lý thuyết, bức tranh hội nhập là khá thuận lợi, nhưng trên thực tế, hiện không ít doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị gì, bị quăng vào hội nhập mà chưa kịp hiểu là mình đang ở đâu. Để hội nhập thành công, theo tôi, đầu tiên là ban lãnh đạo doanh nghiệp cùng với cán bộ chủ chốt phải thường xuyên cập nhật thông tin, nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định, chương trình hội nhập để có chiến lược phát triển phù hợp, thậm chí có những quy định chỉ là để biết, tham khảo nhằm giúp doanh nghiệp lường trước rủi ro.

Doanh nghiệp Việt cần phải chủ động phát triển bộ phận nghiên cứu thị trường, tăng cường hợp tác với bên ngoài và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu như doanh nghiệp không có lối đi khác biệt thì không thể hội nhập thành công và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 3
Doanh nghiệp phải chủ động thích ứng với lộ trình cam kết

- Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh

Chúng ta vừa ký một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cơ hội tốt đối với ngành cơ khí để tiếp cận những thị trường lớn trên thế giới. Để tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập thì ngay bây giờ Chính phủ phải có những hướng dẫn, công khai thông tin về các nội dung của hiệp định để doanh nghiệp có thể nắm bắt được những thỏa thuận cụ thể, từ đó xây dựng được chiến lược kinh doanh lâu dài, phù hợp. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động để có thể thích ứng tốt nhất với những lộ trình cam kết gia nhập đó.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 4
Tăng cường liên kết để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

- Ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM

Nhằm đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, cùng mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, với yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, để hội nhập thành công, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược kinh doanh và quan trọng hơn là cần tăng cường liên kết để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ ngành công nghiệp phát triển như: giới thiệu và triển khai các mô hình cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng và liên kết công nghiệp hỗ trợ; xây dựng những chuỗi giá trị ngành hàng cụ thể; tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động tìm kiếm và làm chủ thông tin, từ đó nắm bắt thị trường để điều chỉnh định hướng kinh doanh hiệu quả. Đây là cách để ứng phó với các cơ hội và thách thức khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như TPP hay các FTA khác. Bên cạnh đó, cần tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác công tư để bám sát những định hướng, điều chỉnh trong hệ thống chính sách đầu tư của Nhà nước.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 5
Xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế

- Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Khi hội nhập với các thị trường tự do, vấn đề mấu chốt của mọi doanh nghiệp là chất lượng đội ngũ nhân sự. Theo tôi, dù doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh và tiềm lực tài chính mạnh nhưng không có nhân sự giỏi thực hiện thì doanh nghiệp cũng không thể phát triển được.

Một hiện tượng phổ biến hiện nay là doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi yếu tố con người đứng sau hàng loạt vấn đề khác. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ nhân sự kế thừa và hệ quả là khó đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn hội nhập thành công, trụ vững và vươn lên phải lấy con người làm trung tâm. Hội nhập thành công hay không phụ thuộc vào chất lượng lao động của mỗi doanh nghiệp. Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận chiến lược nhân lực với tư duy chấp nhận sự đa dạng vì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ cho phép tự do luân chuyển nguồn nhân lực giữa các nước thành viên và TPP sẽ mang đến một chuẩn mực cao hơn, có nhiều điểm khác biệt với những quy định lao động hiện hành. TPP và các FTA khác khi có hiệu lực sẽ mở cửa thị trường lao động, lúc đó nhân lực chất lượng có trình độ cao sẽ tự do luân chuyển, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị, đầu tư lâu dài cho đội ngũ nhân sự theo chuẩn quốc tế.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 6
Doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh và thương hiệu khi hội nhập

- GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, về phía Nhà nước, cần đổi mới thể chế, xây dựng pháp luật để đáp ứng đòi hỏi của việc hình thành hành lang pháp lý nhất quán, thông thoáng, minh bạch, công khai, dễ dự báo, tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh và đầu tư. Cùng với đó, cần đổi mới đồng bộ chính sách kinh tế để có thể hình thành đội ngũ doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp của những nước phát triển hơn trong khu vực.

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; xây dựng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngoài… Đây là một trong nhưng điều kiện để doanh nghiệp có thể hội nhập thành công.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 7
Nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu

- Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình

Thời gian vừa qua, doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có nhiều cơ hội cọ xát với nhiều nhà thầu lớn trên thế giới và ngành xây dựng cũng đã có những bước tiến đáng khích lệ. Có thể khẳng định rằng, nhiều nhà thầu trong nước đã có thể cạnh tranh được với nhà thầu quốc tế. Đối với thị trường trong nước, lợi thế cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam là có khả năng giảm giá dự thầu vì chi phí quản lý xây dựng thấp hơn nhiều so với các nhà thầu trong khu vực như Hàn Quốc hay Nhật Bản…, trong khi chúng ta vẫn có thể cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao, không hề thua kém họ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, các nhà thầu Việt Nam không chỉ cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài tại thị trường nội địa mà cần phải vươn mình ra thị trường nước ngoài. Nếu không thì năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ không đạt đẳng cấp quốc tế. Có cọ xát với thị trường quốc tế thì chúng ta mới học được cách đấu thầu theo chuẩn mực quốc tế, làm theo trình độ quốc tế, từ đó năng lực cạnh tranh của chúng ta mới được nâng lên.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 8
Muốn quốc tế hóa trước tiên phải định vị được mình

 - Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Robenny Corporation, phụ trách khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương

Doanh nghiệp muốn hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia vào TPP và các FTA, hay nói cách khác là muốn quốc tế hóa thì trước tiên phải định vị được mình, tức phải hiểu mình “cần” và “muốn” gì. Bạn có thể “muốn” nhiều thứ nhưng doanh nghiệp của bạn lại “cần” cái khác. Do vậy, các chủ doanh nghiệp của Việt Nam không nên hiểu nhầm giữa hai khái niệm này. Bài học mà tôi đúc rút ra sau gần 20 năm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vươn ra thế giới chính là có rất nhiều doanh nghiệp muốn phát triển qua những thị trường khác, nhưng họ rất mơ hồ. Mà trên thương trường, càng mơ hồ, càng “ngơ ngác” thì càng dễ thất bại.

Ngoài ra, muốn hội nhập tốt, chính bản thân các doanh nghiệp phải tự chủ. Đừng quá trông chờ hay ỷ lại vào Chính phủ, vì Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp về mặt thông tin chính xác, đầy đủ và thật nhanh, chứ không thể cáng đáng hết mọi thứ cho doanh nghiệp được.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 9
Doanh nghiệp dệt may cần chuẩn bị nguồn nguyên liệu

- Ông Trần Trọng Huân, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Poongchin Vina tại Thái Bình

Khi gia nhập TPP, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động dệt được vải thì mới được hưởng những ưu đãi thuế xuất khẩu. Nếu mình vẫn tiếp tục nhập vải của Trung Quốc để sản xuất thì những lợi ích từ các FTA là không đạt được.

Các doanh nghiệp xơ sợi, bông, vải của Việt Nam sẽ phải chuẩn bị một lượng nguyên, phụ liệu cho ngành may để không phải nhập khẩu từ nước ngoài thì mới tận dụng được cơ hội xuất khẩu từ các FTA. Bên cạnh đó, để hội nhập thành công cũng cần rất nhiều sự giúp đỡ của các bộ, ngành.

Bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng đang chủ động đi tìm hiểu ở các cơ sở dệt của Việt Nam, và chúng tôi đang có mục tiêu đặt hàng mặt hàng vải, công ty dệt của Việt Nam để phục vụ sản xuất, đón đầu cơ hội từ các FTA mang lại.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 10
Chuẩn bị tốt hồ sơ dự thầu khi đấu thầu cạnh tranh với nhà thầu nước ngoài

- Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Coteccons

“Conteccons rất tự tin và hoàn toàn không ngại tham gia đấu thầu với các nhà thầu quốc tế. Từ năm 1994 đến nay, Công ty đã tổ chức và tham gia đấu thầu cạnh tranh quốc tế với nhiều nhà thầu lớn trên thế giới. Thông qua đó, chúng tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh để thắng thầu bằng việc tập trung và chuẩn bị kỹ các yếu tố then chốt trong hồ sơ dự thầu. Từ việc chuẩn bị hồ sơ dự thầu đáp ứng đúng như yêu cầu bài thầu của chủ đầu tư (phiên bản 1.0), rồi đến tính toán lại khối lượng công việc để tư vấn ngược lại cho chủ đầu tư về hồ sơ mời thầu trước khi đấu thầu (phiên bản 2.0), tiến tới đề xuất giải pháp kỹ thuật thi công với giá thành phù hợp (phiên bản 3.0) và nay Công ty chúng tôi đã tham gia nhiều dự án quy mô lớn với tư cách là tổng thầu thiết kế và thi công – D&B (phiên bản 4.0).

Tuy nhiên, so với các nhà thầu xây dựng trong khu vực, nhìn chung, các nhà thầu xây dựng Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững, chưa được tiếp cận nhiều mô hình quản trị hiệu quả, các kỹ thuật thi công tiên tiến. Ngoài ra, trong ngành còn thiếu các doanh nghiệp hỗ trợ và phụ trợ, nhà thầu phụ chuyên biệt để cùng phối hợp, tạo vị thế vững chắc, tăng sức cạnh tranh để vươn lên tầm khu vực.

Doanh nghiệp định vị chính mình để hội nhập thành công ảnh 11
Nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư

- Ông Quách Văn Đức, Tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa

Tín Nghĩa xem TPP là động lực, là cơ hội để cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, qua đó thích nghi và đáp ứng tốt trước những tác động tích cực và ứng phó kịp thời với ảnh hưởng tiêu cực mà TPP mang lại. Ngay từ năm 2014, Tín Nghĩa đã xác định và xây dựng lại chiến lược kinh doanh của mình. Qua đó, tập trung phát triển các lĩnh vực chủ chốt, sở trường, năng lực cốt lõi hiện có. Từ đó, thu hẹp dần và loại bỏ những ngành nghề, dự án đầu tư dàn trải kém hiệu quả để tập trung nguồn lực vào 4 ngành nghề sản xuất, kinh doanh chủ lực; khẩn trương thực hiện tái cơ cấu vốn, nguồn vốn, cải thiện năng lực tài chính, tăng cường khả năng cạnh tranh; sáp nhập, sắp xếp lại các công ty con, đơn vị trực thuộc, giảm các đầu mối trung gian; sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý, giảm thiểu các cấp quản lý trung gian. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại lực lượng nhân sự nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho hội nhập, doanh nghiệp đã triển khai và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ tại các khu công nghiệp như phát triển dịch vụ một cửa tại khu công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Chuyên đề