Doanh nghiệp “đau đầu” vì bảo hiểm xã hội

(BĐT) - Từ ngày 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Mức đóng mới này được nhận định sẽ đẩy chi phí doanh nghiệp (DN) tăng lên đáng kể…
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Gia tăng số lao động mất việc?

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong cho rằng, mức đóng BHXH mới từ đầu năm 2018 sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí của DN cũng như “túi tiền” của người lao động.

Theo TS. Phùng Đức Tùng, khi áp theo mức đóng mới từ năm 2018, các khoản đóng BHXH không chỉ là lương trên hợp đồng mà còn cả trên các khoản trợ cấp, phụ cấp, các khoản tính vào thu nhập (trừ 14 khoản mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa mới ban hành) thì thu nhập người lao động sẽ thay đổi khi phải đóng thêm. Trong khi đó, DN cũng sẽ phải gánh thêm khoản chi phí khá lớn với cách tính mới này.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong thực hiện hồi tháng 8/2016, kết quả phân tích cho thấy, với tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm (BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Công đoàn...) trên lương được quy định là 34,5% như hiện nay thì tỷ lệ trích nộp các loại bảo hiểm trên tổng thu nhập thực tế (bao gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung) của người lao động tham gia vào khoảng 20%, trong đó người lao động đóng 6,1% và DN đóng 13,9%.

Khi quy định nền đóng BHXH sẽ là tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung thay vì chỉ là tiền lương như hiện nay thì chi phí đóng các loại bảo hiểm của DN cũng như người lao động sẽ tăng lên. DN có thể giảm cầu lao động khu vực chính thức.  Theo dự báo thì tỷ lệ lao động có tham gia BHXH ở DN sẽ giảm khoảng 1,8% trong ngắn hạn và 5,2% trong dài hạn. Số lao động mất việc ở khu vực chính thức (DN có thể sa thải hoặc chuyển thành lao động bán thời gian để ko phải đóng các khoản bảo hiểm) tương ứng được dự báo là 131 nghìn và 371 nghìn người. Lợi nhuận của DN cũng có thể bị giảm sút ít nhất là trong ngắn hạn khi mà doanh nghiệp không thể tăng được giá bán sản phẩm. 

Doanh nghiệp nói gì?

Trước sự phản ứng từ giới nghiên cứu, cộng đồng DN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trong đó có 14 khoản không tính vào thu nhập phải đóng BHXH như: tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết...
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty Thuỷ sản Thuận Phước, chi phí đóng BHXH hiện nay ở Việt Nam đã quá cao, thuộc hàng cao nhất khu vực ASEAN, chưa kể 3% phí công đoàn. Do vậy, dù mới đóng chi phí BHXH trên lương danh nghĩa (lương tối thiểu) như hiện nay thì cũng đã là một gánh nặng cho DN. “Sắp tới, với mức đóng BHXH mới kể từ đầu năm 2018, DN sẽ còn lao đao hơn, đặc biệt với doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thuỷ sản…”, ông Lĩnh cho biết.

Bên cạnh gánh nặng đối với DN, ông Lĩnh còn cho rằng người lao động cũng chưa chắc được lợi gì khi nâng mức đóng BHXH lên cao. “Nhiều người lao động có thể sẽ bị chuyển từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức như hợp đồng thời vụ, cộng tác viên… để lách luật, chưa kể bị sa thải khi DN quá khó khăn”, ông Lĩnh cảnh báo.

Ông Lĩnh phân tích thêm, mặc dù chưa có tính toán cụ thể về khoản chi phí sẽ “đội” lên khi áp dụng cách đóng BHXH mới, song đó sẽ là con số không nhỏ đối với DN hàng nghìn lao động như Thuận Phước.

TS. Phùng Đức Tùng cũng cho rằng, việc đánh một tỷ lệ cố định trên thu nhập cho mọi đối tượng của BHXH là “không ổn”. Ông Tùng ví dụ: “Những người mới đi làm họ rất cần tiền để đáp ứng cho các nhu cầu trước mắt hơn là đầu tư cho tuổi già. Tôi cho rằng mức đóng có thể theo bậc tuổi, dưới 30 tuổi đóng BHXH ở mức thấp, từ 30 - 40 tuổi đóng cao hơn, 40 - 50 tuổi cao hơn nữa và từ 50 - 60 tuổi mức đóng giảm đi”, ông Tùng kiến nghị.

Chi phí kinh doanh là một trong những vấn đề được nhắc đến khá nhiều trong năm 2017, đặc biệt là chi phí cho các loại BHXH. Vấn đề này cần được bàn bạc, xem xét để đảm bảo được quyền lợi của người lao động cũng như sức cạnh tranh của DN.

Chuyên đề