Doanh nghiệp "đau đầu" khi hàng trăm container hạt điều ách tắc vì vướng thủ tục

Trong 5 ngày qua, hàng trăm container hạt điều nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ cho chế biến, xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2017 đang bị ách tắc tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp "đau đầu" khi hàng trăm container hạt điều nguyên liệu ách tắc ở cảng Cát Lái. Ảnh minh họa: TTXVN
Doanh nghiệp "đau đầu" khi hàng trăm container hạt điều nguyên liệu ách tắc ở cảng Cát Lái. Ảnh minh họa: TTXVN

Doanh nghiệp phải lưu công, lưu bãi, chờ thông quan do vướng mắc các quy định mới về khai báo hải quan căn cứ theo công văn số 4824/TCHQ-GSQL ngày 20/7/2017 của Tổng Cục hải quan về việc thực hiện Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

*Lãng phí thời gian và tài chính doanh nghiệp

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều, Quyết định 15/2017/QĐ-TTg và Công văn số 4824/TCHQ-GSQL đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp tạm nhập khẩu nguyên liệu rồi tái xuất, trong đó có ngành chế biến điều xuất khẩu.

Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn I (Bình Phước) chia sẻ, thay vì trước đây doanh nghiệp được phép làm thủ tục một cửa, khai báo hải quan về kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nơi hàng đến là Chi cục Hải quan TP.HCM, thì theo công văn 4824, các doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều nguyên liệu phải khai báo hải quan nơi đặt nhà máy sản xuất và chế biến như Đồng Nai, Bình Phước,…

Quy định mới này gây lãng phí thời gian và chi phí liên quan cho doanh nghiệp và xã hội. Cụ thể là, thời gian làm thủ tục hải quan cho các lô hàng nhập khẩu tăng lên 10 lần so với trước đây, doanh nghiệp cũng phải gánh gồng các khoản chi phí lưu công, lưu bãi và vận chuyển không hề nhỏ, bởi vì hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều đều đặt nhà máy tại khu vực vùng nguyên liệu tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước.

Trong số nguyên liệu này, Công ty Hoàng Sơn I đã mắc kẹt 100 container điều nguyên liệu (tương đương với hơn 1.500 tấn). Ước tính, chi phí lưu kho cho lô hàng này mất 50 triệu đồng/ngày; đồng thời, sẽ làm chậm việc sản xuất và đáp ứng đơn hàng cho các khách hàng trong thời gian tới, hàng ngàn công nhân cũng sẽ không thể làm việc.

Theo ông Đỗ Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu và sản xuất Nông sản Đa Kao (TP.HCM), kể từ khi Công văn 4824 được ban hành và có hiệu lực thì Công ty Đa Kao cũng bị “ách tắc” 200 container (tương đương hơn 3.100 tấn) điều nguyên liệu nhập khẩu.

Những quy định này vừa được ban hành và áp dụng ngay làm cho cộng đồng doanh nghiệp chế biến điều “rối mù”. Bởi vì, thời gian áp dụng quá nhanh, làm cho các doanh nghiệp trở tay không kịp với nguồn nhân lực hiện có.

Hơn nữa, những quy định này cũng không có gì cải tiến hơn so với trước đây, vì với nguồn nguyên liệu tạm nhập tái xuất này không phải đóng thuế, nếu không thực hiện khai báo hải quan tại các địa phương đặt nhà máy thì cũng không ảnh hưởng đến nguồn ngân sách của các tỉnh.

Do đó, quy định này vừa gây khó cho cộng đồng doanh nghiệp, vừa gây lãng phí nguồn lực, tài chính và chi phí không cần thiết. Với 200 container điều, mỗi ngày công ty Đa Kao mất 100 triệu đồng lưu kho, chưa kể đến chi phí vận chuyển 3 lần để hoàn thành thủ tục. Nhà máy đặt càng xa cảng đến, chi phí vận chuyển càng cao.

*Đơn giản thủ tục để tạo đà sản xuất

Trước những quy định này, hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều đã phải lên tiếng cầu cứu Hiệp hội Điều Việt Nam. Trong ngày 25/7/2017, Hiệp hội Điều Việt Nam đã có công văn gửi đến các Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục Hải quan Việt Nam để có hướng xử lý, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều, một trong các ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư kí Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết.

Không những vậy, ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn I (Bình Phước) còn nhấn mạnh, trong những năm qua, Chi cục Hải quan TP.HCM đã xử lí rất tốt việc thông quan các lô hàng điều nhập khẩu của doanh nghiệp.

Khi thực hiện thông quan tại cảng, doanh nghiệp cũng vừa rút ngắn thời gian thông quan, vận chuyển nguyên liệu đến Cơ quan kiểm dịch thực vật Vùng II dễ dàng, không bị lãng phí thời gian, kinh phí không cần thiết của doanh nghiệp.

Trong trường hợp thực hiện một quy định, thì Cơ quan ra thông báo, quyết định cũng phải cho doanh nghiệp thời gian ít nhất 6 tháng để chuẩn bị tất cả các khâu nhân lực, thủ tục pháp lý để không bị rối như hiện nay.

Đặc biệt là với những nhà máy sản xuất, chế biến được đặt tại vùng sâu, vùng xa, gần với vùng nguyên liệu điều tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, thì cách thức thực hiện thủ tục thông quan như trước đây không gây trở ngại cho doanh nghiệp.

Khi thực hiện khai báo hải quan tại các tỉnh xa cảng thì các Chi cục hải quan tỉnh đòi hỏi các giấy phép xây dựng nhà máy, giấy phép hoạt động sản xuất mà những thủ tục này không thuộc thẩm quyền kiểm tra của Chi cục Hải quan tỉnh. Do đó, khi các doanh nghiệp được đơn giản hóa các thủ tục, thực hiện thông quan 1 cửa như trước đây mới tạo đà phát triển cho doanh nghiệp, ông Đỗ Tất Thắng nhấn mạnh.

Vừa qua, Hiệp hội Hạt khô thế giới (INC) cũng vừa đăng công bố giá trị dinh dưỡng mới đối với sức khỏe của hạt điều. Đây là tín hiệu giúp cho giá trị gia tăng của hạt điều ngày càng nâng cao, ngành sản xuất và chế biến điều của Việt Nam phát triển hơn nữa.

Vì vậy, các cơ quan chức năng đơn giản thủ tục pháp lý thì mới tạo cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp điều phát triển, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam chia sẻ.

Trả lời cho tình trạng ách tắc hàng trăm coantainer điều nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay, phía Chi cục Hải quan Tp.HCM cũng đã tập hợp các hồ sơ, chứng từ gửi về Tổng Cục Hải quan Việt Nam, Bộ Tài chính đã có hướng giải quyết tốt nhất cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi sản xuất, tránh tình trạng lưu kho kéo dài nữa, Đại diện phòng Giám sát quản lý, Chi cục Hải quan Tp.HCM cho biết.

Chuyên đề