Doanh nghiệp có bị áp mức phí oan trên QL5?

Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải tại Hưng Yên có đơn kiến nghị các cơ quan chức năng và Báo Giao thông làm rõ việc trạm thu phí trên QL5 áp dụng sai mức thu phí, đẩy khó khăn cho DN...
Chủ xe phải nộp phí theo Giấy đăng ký ghi 24 tấn
Chủ xe phải nộp phí theo Giấy đăng ký ghi 24 tấn

Tải trọng 16 tấn, phải trả phí 24 tấn

Cụ thể, 10 DN vận tải tư nhân có trụ sở tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên có văn bản gửi Báo Giao thông cho biết, nhiều tháng nay bị Trạm thu phí số 1 trên QL5 (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) thu phí sử dụng đường bộ cao hơn so với mức phải nộp. Đơn cử 10 xe tải của các DN này được Cục Đăng kiểm VN chứng nhận khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông chỉ từ 15 - 16,1 tấn; đáng ra thuộc biểu phí của nhóm phương tiện xe có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn. Tuy nhiên, Trạm thu phí bắt mua theo phí của phương tiện có trọng tải từ 18 tấn trở lên, với mức 4.800.000 đồng/tháng, cao gấp đôi so với 2.400.000 đồng/xe dưới 18 tấn/tháng.

“Nhiều tháng nay, chúng tôi đã phải mua theo mức phí cao hơn so với tải trọng của phương tiện. Từ 1/4/2016 phí lại tăng lên mức 6.000.000 đồng/xe/tháng ảnh hưởng lớn đến DN”, bà Đỗ Thị Mận, đại diện các DN có chung đơn kiến nghị nói. Bà Mận cũng cho biết, lý do phải mua mức phí cao hơn vì trạm thu phí chỉ bán vé căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký xe, còn không căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng kiểm. Trong các giấy chứng nhận đăng ký xe trên đều là 24 tấn, còn trong chứng nhận đăng kiểm chỉ cho phép chở  tối đa 16,1 tấn hàng hóa.

Nhưng thực tế chứng nhận đăng kiểm chỉ cho phép chở 16,130 tấn

Vướng mắc giấy tờ, DN vận tải chịu thiệt

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc các DN phải nộp phí nhiều hơn mức ghi trong chứng nhận đăng kiểm là có thật. Về phía đơn vị thu phí, ngày 4/4, Phó tổng giám đốc TCT phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN Phạm Văn Bổn có văn bản khẳng định việc thu như trên là đúng và yêu cầu các trạm thu phí tiếp tục thực hiện. Lý do là việc thu phí áp dụng theo Thông tư số 153 ngày 2/10/2015 của Bộ Tài chính về việc thu phí trên QL5. Trong đó, thông tư hướng dẫn thu phí “căn cứ vào trọng tải thiết kế (tải trọng hàng hóa), căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp”.

Trong đơn kiến nghị, các DN vận tải viết: “Chúng tôi đã trực tiếp đến Phòng CSGT Hưng Yên đề nghị đổi giấy đăng ký xe (thay đổi tải trọng theo giấy kiểm định) nhưng bên Công an từ chối không cấp đổi và giải thích: Đây là Giấy chứng nhận quyền sở hữu xe, đăng ký theo đúng thông số kỹ thuật. Còn việc cho phép lưu hành trên đường và chuyên chở hàng hóa do ngành GTVT quy định”.
Cách giải thích của đơn vị thu phí không sai, nhưng xuất phát từ sự không rõ ràng trong thông tư hướng dẫn. Cũng chính sự không rõ ràng còn khiến các DN vận tải bị lâm vào thế mắc kẹt. Cụ thể, Thông tư 153 giải thích “Tải trọng của từng loại phương tiện…  là tải trọng theo thiết kế (tải trọng hàng hóa), căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp”. Rắc rối ở chỗ giấy chứng nhận đăng ký xe do CSGT cấp, còn chứng nhận đăng kiểm về tải trọng hàng hóa được chở do đơn vị đăng kiểm cấp.

Trong khi đó, về mặt kỹ thuật, “tải trọng theo thiết kế” là giá trị khác so với “tải trọng hàng hóa”. Về vấn đề này, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm VN cho biết: “Tải trọng theo thiết kế là khối lượng hàng hóa mà phương tiện có thể chở được. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế cầu đường, tải trọng được phép chở có thể thấp hơn so với với thiết kế”.

Đề cập trường hợp cụ thể xe BKS 89C- 059.74 (đề cập trong đơn kiến nghị), ông Hệ cho biết, tải trọng thiết kế đối với loại xe này là cao hơn nhưng tải trọng hàng hóa chỉ được phép chở 16,130 tấn. “Quy định phương tiện được chở bao nhiêu thì thu phí bấy nhiêu mới đúng, phù hợp. Giấy chứng nhận đăng ký xe chỉ thể hiện chứng nhận sở hữu tài sản, không thể hiện thông số kỹ thuật thực tế của phương tiện”, ông Hệ nói.

Chuyên đề