DN Việt đứng ngoài nhiều dự án đầu tư công

(BĐT) - Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu bên lề Hội nghị gặp gỡ giữa doanh nghiệp (DN) với lãnh đạo TP.HCM năm 2018 diễn ra vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Xuân Hàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, cộng đồng DN TP.HCM mong muốn Lãnh đạo Thành phố tạo nhiều điều kiện hơn nữa để DN có thêm cơ hội tham gia các dự án đầu tư công.
Việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong các dự án đầu tư công sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong các dự án đầu tư công sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Mong muốn nói trên của cộng đồng DN xuất phát từ đâu, thưa ông?

Năm 2009, Bộ Chính trị đã phát động triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 494 (20/4/2010) về việc sử dụng vật tư, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và Chỉ thị 13 (4/4/2017) về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 494 và Chỉ thị 13, việc tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong đầu tư công tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã có những chuyển biến tích cực, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phát triển sản xuất trong nước, góp phần giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Việc triển khai nghiêm túc Chỉ thị 494 và Chỉ thị 13 của Thủ tướng cũng đã thay đổi nhận thức của các chủ đầu tư, các DN về máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, dịch vụ trong nước đã sản xuất được, đặc biệt là các đơn vị sử dụng vốn nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tại các bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn dẫn tới việc sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu còn nhiều bất cập và hạn chế. DN Việt Nam đã phải đứng ngoài nhìn hoặc chỉ đóng vai trò thầu phụ nhiều dự án ngay trên đất nước mình.

DN Việt đứng ngoài nhiều dự án đầu tư công ảnh 1
Ông Nguyễn Xuân Hàn
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong ngành công nghiệp hỗ trợ và chế tạo, Hiệp hội có những giải pháp nào hỗ trợ DN?

Tôi nghĩ, việc nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng, nâng cao tỷ lệ DN của Thành phố tham gia các dự án đầu tư công trong thời gian tới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy nội lực kinh tế Thành phố.

Chúng ta rất vui mừng khi vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Với cơ sở pháp lý mới này, Thành phố sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng của mình để bứt phá.

Về phía DN, các DN sản xuất phải chủ động tiếp cận những chương trình hỗ trợ của Thành phố, không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người sử dụng; nêu cao tinh thần DN Việt vì người Việt. Nhất là phải bằng nhiều hình thức tăng cường liên kết nhằm nâng cao năng lực nhà thầu. 

Còn những hiến kế cho lãnh đạo Thành phố, thưa ông?

Đối với lãnh đạo Thành phố, thứ nhất, căn cứ vào Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Nghị quyết 54 của Quốc hội, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nên nghiên cứu điều chỉnh và quy định riêng cách thức mời thầu các dự án đầu tư công, mua sắm công cũng như các dự án có sử dụng vốn ODA theo hướng: Quy định tỷ lệ sử dụng dịch vụ, sản phẩm Việt theo từng lĩnh vực của dự án; quy định tiêu chuẩn hàng hóa thay vì xuất xứ hàng hóa trong các dự án mời thầu, không đặt nặng điều kiện tham gia đấu thầu, tạo điều kiện cho DN liên kết tham gia dự thầu…

Ngoài ra, cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch và kịp thời về các dự án đầu tư công sẽ triển khai, các dự án đầu tư công sẽ mời thầu để DN Thành phố biết, chuẩn bị tham gia. Bên cạnh đó, phân công Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cử đại diện tham gia ngay từ đầu khi xây dựng các dự án đầu tư công. Đặc biệt, khi đàm phán các gói đầu tư lớn của Thành phố như tàu điện ngầm, cần quan tâm đến tỷ lệ nội địa hóa vì các DN ngành cơ khí, điện của TP.HCM có thể chế tạo được nhiều phụ tùng, linh kiện chất lượng cao, đã xuất khẩu vào các nước phát triển.

Chuyên đề