DN tư nhân tìm cơ hội trong thách thức, khó khăn

(BĐT) - Thực tiễn môi trường kinh doanh trong quá khứ cũng như những năm gần đây đều cho thấy, trong những giai đoạn khó khăn luôn có những cơ hội. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã biết tận dụng những cơ hội ấy để thay đổi, phát triển sản xuất kinh doanh. 
Hãng hàng không Vietjet đã khởi động Ủy ban khẩn cấp phòng chống dịch nhằm góp phần giải quyết phương tiện đi lại an toàn cho hành khách. Ảnh: Lê Tiên
Hãng hàng không Vietjet đã khởi động Ủy ban khẩn cấp phòng chống dịch nhằm góp phần giải quyết phương tiện đi lại an toàn cho hành khách. Ảnh: Lê Tiên

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, sáng 12/3, tại cuộc làm việc với các doanh nghiệp tư nhân (DNTN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi, nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba để vươn lên.

Vừa chống dịch tốt, vừa phát triển sản xuất kinh doanh

Cuộc làm việc với các DNTN lớn trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không, lương thực, thực phẩm, công nghiệp… nhằm khích lệ các DN đang phải đối mặt với khó khăn, cũng như huy động sáng kiến đóng góp cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước tín hiệu một số quốc gia sẽ sớm phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu các DNTN phải đón bắt thời cơ này.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có gần 800.000 DN và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, nên lúc này các DN, nhất là tập đoàn kinh tế, là các “pháo đài” trong phòng, chống dịch. Theo Thủ tướng, cần một ý chí mới, một tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ khi chúng ta vượt qua đại dịch. “Chúng ta phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế - xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển”, Thủ tướng kỳ vọng.

Tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid -19, nhiều DNTN lớn cho biết đã có những giải pháp ứng phó. Đơn cử, Hãng hàng không Vietjet đã khởi động Uỷ ban khẩn cấp phòng chống dịch vào ngày 21/1 vừa qua, nhằm góp phần giải quyết phương tiện đi lại tuyệt đối an toàn cho hành khách, kiểm soát dịch bệnh.

Tập đoàn thực phẩm Massan cho biết, các nhà máy của Tập đoàn đang chạy hết công suất để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho người dân. Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị, đây là thời điểm thúc đẩy thương mại điện tử. Tập đoàn có kế hoạch để ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị.

Bên cạnh đó, một số DN cũng cho biết hầu như đã chuyển sang làm việc trực tuyến, hạn chế làm việc trực tiếp; truyền thông cho người lao động, trong đó có chuyên gia nước ngoài, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là cách ly y tế. 

Chuẩn bị tốt để bật lên

Ủng hộ chính sách của Nhà nước trong việc coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tại cuộc làm việc, bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, Tập đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để phát triển mạnh hơn ngay sau khi dịch kết thúc, bù đắp thiệt hại kinh tế do dịch gây ra.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho rằng, khi đỉnh dịch qua đi, đời sống kinh tế - xã hội sẽ trở lại bình thường, DN sẽ có cơ hội phát triển trở lại nếu chuẩn bị tốt về hàng hóa, nhân lực… để đi ngay vào sản xuất kinh doanh. Ông Nam khuyến nghị, các DN cần có tính toán chặt chẽ để vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm “tăng sức đề kháng”, từ đó có thể “bật lên ngay” sau khi dịch qua đi.

Bên cạnh các DNTN lớn, ông Nam cũng nhấn mạnh, đất nước ta có một lực lượng DNNVV chiếm trên 97% tổng số DN cả nước. Thực tiễn môi trường kinh doanh cho thấy, trong khó khăn, các DNNVV Việt Nam là những DN có sức sống dẻo dai, không ngại khó khăn, đổi mới sáng tạo. Đại diện cộng đồng DNNVV Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, ứng phó với dịch Covid-19, đã đề ra tại Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn khó khăn này, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp thu tối đa để có chính sách tốt hơn, phù hợp hơn với tinh thần tạo mọi điều kiện, tháo gỡ khó khăn mà DN vấp phải. Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển. Các DN cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác, liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận…

Chuyên đề