Điện mặt trời: Giải pháp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp

(BĐT) - Nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,3 kWh/m2/ngày đến 6,6 kWh/m2/ngày; cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt 1.581 kWh/m2/năm nên TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời. Vì vậy, điện mặt trời đang được khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố.
Dự báo số lượng hộ dân tại TP. Hồ Chí Minh đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới sẽ tăng nhanh trong thời gian tới
Dự báo số lượng hộ dân tại TP. Hồ Chí Minh đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới sẽ tăng nhanh trong thời gian tới

Nhanh thu hồi vốn

Công ty Điện lực Phú Thọ đầu tư hệ thống điện mặt trời vào tháng 7/2018. Hệ thống gồm 126 tấm pin với công suất tổng là 40,36 kWp, chi phí đầu tư là 1,376 tỷ đồng. Ông Lại Xuân Phương - Phó Giám đốc Kinh doanh của Công ty cho biết, từ khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời (NLMT), mỗi tháng Công ty tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng tiền điện. Cụ thể, trước khi gắn hệ thống NLMT, Công ty phải trả hơn 80 triệu đồng/tháng tiền điện. Sau khi gắn hệ thống NLMT, tiền điện phải trả khoảng 60 triệu đồng/tháng. “Với số tiền tiết kiệm được, ước tính khoảng 7 năm sau sẽ thu hồi lại vốn”, ông Phương cho biết.

Đấy là chưa tính đến sản lượng điện dư bán lên lưới trung bình khoảng 548 kWh/tháng. Theo ông Lại Xuân Phương, điện lực sẽ ghi nhận chỉ số này hàng tháng. Khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, Công ty sẽ được quyết toán toàn bộ sản lượng điện bán lên lưới một lần trong năm.

Anh Võ Thành Tâm ở Gò Vấp cũng đã đầu tư trên 700 triệu đồng để lắp đặt hơn 50 tấm pin mặt trời loại 300 W/tấm để sử dụng cho 50 phòng trọ của mình. Mỗi ngày, hệ thống pin mặt trời sản sinh hơn 80 kWh điện. Anh Tâm chia sẻ, khi sử dụng hệ thống NLMT, mỗi tháng anh tiết kiệm được hơn 50% tiền điện so với trước đây.

Dù rất đắn đo khi đầu tư vào hệ thống này bởi phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng, nhưng từ khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ điện nối lưới với giá trên 2.000 đồng/kWh, anh Tâm đã có thêm động lực quyết tâm đầu tư hệ thống điện mặt trời. Anh tính toán, người dùng điện khi có mức điện dư thừa sẽ bán cho điện lực. Như vậy, thời gian để hoàn vốn các hệ thống điện mặt trời nối lưới sẽ nhanh hơn.

Điện mặt trời ngày càng phổ biến

Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng điện mặt trời còn tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC), từ năm 2013 đến nay, công suất lắp đặt nguồn điện mặt trời trên địa bàn Thành phố tăng khá nhanh, từ 200 kWp năm 2013 lên đến gần 1 MWp năm 2015. Hiện toàn Thành phố đã có 608 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện với tổng công suất lắp đặt 6.376,95 kWp. Với cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, dự báo số lượng hộ dân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Tổng giám đốc, người phát ngôn của EVNHCMC - cho biết, EVNHCMC là đơn vị tiên phong trong việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời và hiện nay đã lắp đặt 18 công trình điện mặt trời nối lưới tại các địa điểm gồm: Tòa nhà trụ sở của Tổng công ty, tòa nhà Phòng Thông tin tuyên truyền an toàn - tiết kiệm năng lượng, nhà điều hành trạm 110 kV Bến Thành và tòa nhà trụ sở các công ty điện lực Thủ Thiêm, An Phú Đông, Tân Thuận, Củ Chi, Gia Định, Tân Phú... với tổng công suất lắp đặt 1,5 MWp. Trong năm 2018, EVNHCMC tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới trên mái nhà trụ sở các đơn vị trực thuộc còn lại và 47 trạm trung gian do Công ty Lưới điện cao thế quản lý. Tổng công suất lắp đặt dự kiến gần 2 MWp.

Để nâng cao hơn nữa công suất lắp đặt hệ thống điện mặt trời, EVNHCMC đã kiến nghị Thành phố tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tập trung hướng đến việc tăng cường sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời nối lưới. Bên cạnh đó, kiến nghị Thành phố xem xét chỉ đạo, vận động các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, các trường học, bệnh viện… chủ động xây dựng kế hoạch trang bị, lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại các tòa nhà của đơn vị.

EVNHCMC cho biết, khi có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời, khách hàng có thể liên hệ với các nhà cung cấp sản phẩm để được tư vấn công suất lắp đặt tấm pin mặt trời phù hợp với nhu cầu sử dụng. Khi hoàn tất việc lắp đặt, khách hàng thông báo nhu cầu bán lại lượng điện dư cho ngành điện bằng cách liên hệ trực tiếp với các công ty điện lực hoặc qua tổng đài của Trung tâm Chăm sóc khách hàng (1900 545454) để được hướng dẫn.

Chuyên đề