Địa ốc Hòa Bình: Nợ đọng vốn ở các dự án lớn

(BĐT) - Địa ốc Hòa Bình là một trong những nhà thầu xây dựng lớn và năng động của thị trường. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, tình hình kinh doanh của Công ty chưa thể quay lại thời kỳ đỉnh cao khi đã 3 năm liên tiếp công ty này không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Địa ốc Hòa Bình dự kiến trình ĐHCĐ thường niên 2016 kế hoạch doanh thu là 6.800 tỷ đồng. Ảnh: Hòa Bình
Địa ốc Hòa Bình dự kiến trình ĐHCĐ thường niên 2016 kế hoạch doanh thu là 6.800 tỷ đồng. Ảnh: Hòa Bình

Biên lãi gộp giảm, do đâu?

Địa ốc Hòa Bình (Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình – mã chứng khoán HBC) có tổng vốn điều lệ hơn 755 tỷ đồng, tương đương 75,5 triệu cổ phần niêm yết. Năm 2015, căn cứ báo cáo chưa kiểm toán, HBC lãi ròng hơn 90 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2014 và tương đương một nửa kế hoạch. Tuy nhiên, nếu từng tham dự ĐHCĐ thường niên 2015 của HBC thì thấy thật khó cho Ban điều hành Công ty khi lý giải cho kết quả này.

Doanh thu thuần năm 2015 của Địa ốc Hòa Bình đạt 5.085 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2014. Trong khi đó, lãi gộp đạt được chỉ ở mức 300 tỷ đồng, giảm 27%. Được biết, trong năm, Công ty triển khai ký 32 hợp đồng mới, cùng với các hợp đồng dở dang trước đó, số hợp đồng thực hiện lên tới 92 hợp đồng. Địa ốc Hòa Bình được nhận thầu nhiều công trình theo hình thức chỉ định thầu, đặc biệt với các hợp đồng thiết kế thi công.

Tuy nhiên, trong số đó, công trình được kỳ vọng là Vietinbank Tower đã bất ngờ mang lại cho HBC khoản lỗ tới 125 tỷ đồng do phối hợp giữa các bên liên quan chưa đồng bộ, các phương án thi công bê tông khối lớn và các vấn đề nhà thầu yêu cầu giải quyết bị kéo dài nên làm tăng chi phí. Bên cạnh đó, dự án lớn là Công trình T2 Nội Bài cũng bị giảm doanh thu quyết toán 33,6 tỷ đồng do đặc thù dự án không đấu tranh được khoản chi phí EOT, công trình SSG Tower lỗ 28,7 tỷ đồng do một số phát sinh không lấy được tiền…

Khi được hỏi tại sao một số công trình, dự án không hiệu quả Công ty vẫn tiến hành thi công, đại diện HBC cho biết, việc thực hiện các dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật cao sẽ giúp Công ty tạo hồ sơ năng lực tốt cho các dự án về sau.

Trong năm 2015, các công ty con của Địa ốc Hòa Bình góp tới 75 tỷ đồng lỗ cho báo cáo hợp nhất Công ty. Đó hầu hết là các công ty kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản, cho thuê văn phòng. Với mảng kinh doanh này, doanh thu chưa được ghi nhận trong khi chi phí đã phải hạch toán theo quy định, là nguyên nhân chính thua lỗ.

HBC vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu các công ty con, công ty liên kết theo hướng củng cố chuỗi giá trị cốt lõi lấy xây dựng dân dụng làm trung tâm. 

Mức độ tăng các khoản phải thu chưa “nguy hiểm”?

Năm 2014, Địa ốc Hòa Bình đã phải trích lập dự phòng các khoản phải thu gần 160 tỷ đồng, trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận, khiến Công ty không hoàn thành kế hoạch đề ra. Đại diện HBC thậm chí còn lạc quan cho biết, sang năm 2015, Công ty có thể hoàn nhập dự phòng khoảng 80 tỷ đồng. Hoàn nhập dự phòng thực tế trong năm 2015 là 37 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số dự kiến.

Tính đến cuối năm 2015, số dư các khoản phải thu ngắn hạn của HBC tăng hơn 1.300 tỷ đồng sau chỉ 1 năm. Con số này khiến nhà đầu tư e ngại về khả năng trích lập dự phòng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong mối tương quan với tốc độ tăng doanh thu trong năm vừa qua (44,5%), mức độ tăng các khoản phải thu chưa thực sự “nguy hiểm”. Đại diện HBC cho biết, trong hơn 1.300 tỷ đồng các khoản phải thu tăng trong năm, có 519 tỷ đồng tăng tạm ứng trước người bán nhằm ổn định giá đầu vào, còn lại phải thu khách hàng và phải thu khác tăng khoảng 790 tỷ đồng – mức tăng vì vậy chỉ ở vào khoảng 33,3%, thấp hơn mức tăng doanh thu. 

Vẫn tiếp tục lạc quan

Mặc dù cho là thận trọng, kế hoạch kinh doanh năm 2016 của HBC cũng được đề xuất ở mức tương đối cao so với kết quả thực hiện năm 2015. Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện HBC cho biết, Công ty dự kiến trình ĐHCĐ thường niên 2016 kế hoạch doanh thu 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng, gấp đôi lợi nhuận năm 2015. Địa ốc Hòa Bình cho biết, trong quý I/2016, Công ty đã nhận thầu những công trình lớn với giá trị gần 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có những hợp đồng lớn của năm 2015 cũng sẽ bắt đầu đi vào giai đoạn hoàn thiện như Saigon Center, Estella… Dự án Bất động sản của Tiến Phát (một công ty con lỗ 13,6 tỷ đồng trong năm 2015) sẽ được ghi nhận doanh số khi giao nhà cho khách hàng cũng giúp HBC cải thiện kết quả kinh doanh năm 2016.

Vietinbank Tower là dự án do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 400 triệu USD, quy mô 30.000 m2 tại Khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Địa ốc Hòa Bình trúng một số gói thầu lẻ của dự án triệu đô này, và ghi nhận khoản lỗ 125 tỷ đồng năm 2015.

Chuyên đề