Đề xuất về mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 158 được xây dựng nhằm mục đích đảm bảo sự phù hợp chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành và chủ trương cải cách thủ tục hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 158 nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa và hạn chế tối đa các mặt trái của loại hình kinh doanh này như việc đầu cơ, thao túng giá cả hàng hóa, lũng đoạn thị trường…

Về nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, theo Bộ Công Thương, nhằm giúp hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa và thị trường thêm sôi động, tăng tính thanh khoản, việc bổ sung thêm mặt hàng giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa là rất cần thiết.

Do vậy, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi Điều 32. “Hàng hóa được phép mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa như sau: Sở Giao dịch hàng hóa được phép giao dịch tất cả các mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh. Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, Sở Giao dịch hàng hóa phải được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trong trường hợp Sở Giao dịch hàng hóa niêm yết hợp đồng hàng hóa mới, Sở Giao dịch hàng hóa có trách nhiệm gửi hồ sơ thông báo với Bộ Công Thương trước 60 ngày. Hồ sơ bao gồm: Danh mục hàng hóa dự kiến niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa; tài liệu đặc tả hợp đồng của từng loại hàng hóa dự kiến niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể thông báo tới Sở Giao dịch hàng hóa về việc điều chỉnh đặc tả hợp đồng hàng hóa.

Về địa vị pháp lý của Sở Giao dịch hàng hóa, Điều 6 Nghị định 158 đang quy định “Sở Giao dịch hàng hóa là pháp nhân được thành lập và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần...” . Việc chỉ cho công ty hoạt động dưới 2 hình thức trên được tham gia thành lập Sở Giao dịch hàng hóa là hạn chế những doanh nghiệp khác đáp ứng đủ năng lực để tham gia hoạt động này. Điều 33 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Do vậy dự thảo đề xuất sửa Điều 6. Địa vị pháp lý của Sở Giao dịch hàng hóa theo hướng “Sở Giao dịch hàng hóa là pháp nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định của Nghị định này”.

Đối với qui định về hạn mức giao dịch, Điều 34 Nghị định 158 quy định hạn mức giao dịch không được vượt quá 50% tổng khối lượng hàng hóa đó được sản xuất tại Việt Nam của năm ngay trước đó. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp với thực tiễn và không khuyến khích phát triển kinh tế. Do vậy cần bãi bỏ khoản 1, 2 và 3 Điều 34.

Nhà đầu tư nước ngoài tham gia Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài được tham gia góp vốn thành lập và/hoặc nhận chuyển nhượng lại cổ phần/phần vốn góp tại sở giao dịch hàng hoá hoặc làm thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa. Đây là một nội dung quan trọng quyết định việc thu hút được nguồn lực tài chính, kinh nghiệm nước ngoài cho sự phát triển của các Sở giao dịch.

Đồng thời, cũng đảm bảo sự quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện (hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa) theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 22 Luật Đầu tư, vì vậy cần bổ sung quy định về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài như sau: Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia góp vốn và/hoặc nhận chuyển nhượng lại cổ phần/phần vốn góp thành lập Sở Giao dịch hàng hóa với tỷ lệ không quá 49%.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn làm thành viên của Sở giao dịch hàng hóa (thành viên môi giới, thành viên kinh doanh), tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không hạn chế.

Chuyên đề