Đề xuất giảm thuế TNDN của DNNVV xuống 15%-17%

(BĐT) - Đó là nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Việc giảm thuế có thể làm ngân sách giảm thu khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. Ảnh minh họa: Internet
Việc giảm thuế có thể làm ngân sách giảm thu khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. Ảnh minh họa: Internet

Kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ

Trước ngày 1/1/2014 Luật thuế TNDN quy định thuế suất áp dụng chung là 25%. Từ ngày 1/1/2014 Luật số 32/2013/QH13 đã quy định lộ trình áp dụng thuế suất thuế TNDN, theo đó từ 1/1/2014 áp dụng thuế suất phổ thông là 22% và từ ngày 1/1/2016 là 20%; riêng doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 20% từ ngày 1/7/2013, sớm hơn so với lộ trình nêu trên.

Như vậy, hiện nay, DNNVV đang áp dụng mức thuế suất như đối với doanh nghiệp nói chung là 20%.

Để tiếp tục khuyến khích DNNVV phát triển, cụ thể hóa quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội cho doanh nghiệp trong nhóm DNNVV được giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 15- 17%. Việc giảm thuế suất thuế TNDN xuống mức 15% - 17% đảm bảo sự khuyến khích đối với DNNVV.

Mức này bằng với mức thuế suất ưu đãi áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản.

Đồng thời, theo ban soạn thảo Dự thảo Nghị quyết, việc giảm thuế còn góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ trong khuyến khích các đối tượng là hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp mà theo đánh giá đây là nhóm đối tượng cần tập trung khuyến khích theo mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Bộ Tài chính đề xuất thực hiện chính sách riêng cho các đối tượng này theo hướng: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.

Sau thời gian miễn thuế này, trường hợp doanh nghiệp mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tương ứng theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.

Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), doanh nghiệp thực hiện mức thuế suất thuế TNDN tương ứng với điều kiện thực tế của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết này và quy định của pháp luật về thuế TNDN.

Ngoài ra, trên cơ sở các quy định của Luật thuế TNDN, Luật Đầu tư về các trường hợp không được áp dụng chính sách ưu đãi thuế, đồng thời để không xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách thông qua việc thành lập các công ty con, công ty liên kết, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định rõ tại Nghị quyết nội dung không áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế TNDN tại Nghị quyết này đối với các trường hợp sau:

Một là Công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp thuộc các đối tượng quy định tại Nghị quyết này;

Hai là, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trừ nhà ở xã hội quy định tại Luật Thuế TNDN), thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam;

Ba là, thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí, tài nguyên quý hiếm khác và thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản;

Bốn là, thu nhập từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Dự kiến giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng/năm

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những giải pháp về thuế nêu trên có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực DNNVV, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính.

Việc thực hiện các giải pháp này có thể làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỷ đồng và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm.

Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho NSNN vào những năm sau.

Bộ Tài chính cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Nghị quyết dự kiến trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2019 để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 năm 2019; trên cơ sở đó hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 10 năm 2019.

Việt Nam hiện có hơn 600 nghìn doanh nghiệp, trong đó khối kinh tế tư nhân chiếm gần 500 nghìn doanh nghiệp và trong số này có tới hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm.

Chuyên đề