DATC: Tiếp tục tái cơ cấu SBIC, Vinalines

(BĐT) - Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất (2015 - 2017). Theo đó, doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt này lên kế hoạch lợi nhuận chỉ bằng 88% kết quả năm 2017. 
Doanh thu tài chính giảm mạnh cùng với chi phí quản lý tăng cao khiến lợi nhuận trước thuế năm 2017 của DATC chỉ đạt 395,7 tỷ đồng. Ảnh: st
Doanh thu tài chính giảm mạnh cùng với chi phí quản lý tăng cao khiến lợi nhuận trước thuế năm 2017 của DATC chỉ đạt 395,7 tỷ đồng. Ảnh: st

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu nợ  Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)...

Dự kiến mua nợ 3.000 tỷ đồng

DATC đặt mục tiêu năm 2018 doanh số mua nợ, tài sản đạt 3.000 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ 350 tỷ đồng, bằng 88% kết quả năm 2017.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, doanh thu thuần từ hoạt động mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của DATC đạt 2.246 tỷ đồng, tăng tương ứng 29,3% so với năm 2016. Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm mạnh, cùng với chi phí quản lý tăng cao khiến lợi nhuận trước thuế năm 2017 chỉ tăng thêm 1,4% lên 395,7 tỷ đồng.

Năm 2018, DATC tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nợ của SBIC, tái cơ cấu Vinalines, Công ty CP Thực phẩm miền Bắc, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và một số tập đoàn, tổng công ty khác. Việc tái cơ cấu nợ của các doanh nghiệp trên nhằm nâng cao năng lực tài chính, phục hồi hoạt động để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt gắn với việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ.

Cũng theo báo cáo tài chính năm 2017, phần lớn tài sản của DATC là khoản phải thu từ SBIC với giá trị hơn 19.000 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản. Khoản này bao gồm: Phải thu do phát hành hối phiếu dài hạn là 4.492 tỷ đồng và phải thu do phát hành trái phiếu dài hạn là 14.987 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2017, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của DATC lên đến 632 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là dự phòng phải thu khó đòi từ hoạt động mua bán nợ (513 tỷ đồng). Ngoài ra, DATC còn có các khoản dự phòng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác với quy mô 224 tỷ đồng.

Còn nhiều vướng mắc trong hoạt động

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt, được thành lập năm 2003, tiền thân là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Đến cuối tháng 4/2014, Công ty được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Theo báo cáo của DATC, đơn vị này còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu, mua, xử lý các khoản nợ xấu và tái cơ cấu nợ của các doanh nghiệp. Cụ thể, vướng mắc về cơ chế thoái vốn cả lô cổ phần và thoái vốn cả lô cổ phần kèm nợ phải thu (đặc thù của Công ty) đến nay vẫn chưa được tháo gỡ đã ảnh hưởng đến kế hoạch thoái vốn của Công ty, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện đúng quy định về thời hạn thoái vốn không quá 5 năm kể từ ngày Công ty chính thức trở thành cổ đông tại doanh nghiệp tái cơ cấu, cũng như ảnh hưởng đến phương án tính toán hiệu quả, sự bảo toàn và phát triển vốn.

Ngoài ra, do thiếu cơ chế ràng buộc nên sự phối hợp trong hoạt động mua, bán, xử lý nợ giữa một số cơ quan chủ sở hữu là các bộ, ngành và một số ngân hàng chủ nợ như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... với DATC chưa tốt.

DATC cũng cho biết, hệ thống thể chế cho hoạt động mua bán nợ chưa đầy đủ đã làm ảnh hưởng đến việc mở rộng phạm vi, đối tượng doanh nghiệp được DATC hỗ trợ tái cơ cấu thông qua xử lý nợ xấu; hạn chế về tính linh hoạt trong vận dụng phương thức mua bán nợ, các giải pháp thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm; hạn chế khả năng hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh sau tái cơ cấu.

Chuyên đề