Đánh giá mức độ phát triển DN qua 8 nhóm chỉ tiêu

(BĐT) - Dự kiến cuối năm 2018, Tổng cục Thống kê sẽ biên soạn và công bố bộ chỉ tiêu đầy đủ đánh giá mức độ phát triển của DN (DN) với khoảng 40 - 50 chỉ tiêu. 
Với bộ chỉ tiêu này, có thể đánh giá được địa phương nào đã có những giải pháp triển khai trong thực tiễn nhằm phát triển DN hiệu quả. Ảnh: Tường Lâm
Với bộ chỉ tiêu này, có thể đánh giá được địa phương nào đã có những giải pháp triển khai trong thực tiễn nhằm phát triển DN hiệu quả. Ảnh: Tường Lâm

Bộ chỉ tiêu là một trong những công cụ quan trọng để đánh giá chính xác sự phát triển của khu vực DN, giúp Chính phủ và các địa phương có những giải pháp phù hợp nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN. TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết thông tin này trong cuộc trao đổi cùng Báo Đấu thầu.

Được biết, trong tháng 4 vừa qua, Tổng cục Thống kê đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN. Mục tiêu trọng tâm của Đề án là gì, thưa ông?

Xuất phát từ yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 1/5/2016 của Chính phủ về phát triển DN đến năm 2020 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng và công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến nay, Đề án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với VCCI dự thảo, lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành và địa phương, đã trình Thủ tướng Chính phủ tháng 4/2018. Mục tiêu trọng tâm của Đề án là xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hàng năm thực trạng và mức độ phát triển DN của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết gọn là các địa phương). Từ bộ chỉ tiêu này, hàng năm, Chính phủ, người dân và DN có thể đánh giá được địa phương nào đã có những giải pháp triển khai trong thực tiễn nhằm phát triển DN hiệu quả.

Đánh giá mức độ phát triển DN qua 8 nhóm chỉ tiêu ảnh 1
TS. Nguyễn Bích Lâm
Theo Dự thảo, Đề án sẽ có hai nội dung lớn: Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng về phát triển DN đối với các bộ, ngành và đánh giá mức độ phát triển DN đối với các địa phương. Ông có thể cho biết rõ hơn?

Do mức độ và phạm vi ảnh hưởng đến phát triển DN của các bộ, ngành có sự khác biệt so với các địa phương nên cần có sự đánh giá riêng biệt, cần thiết phải có phương pháp luận và hệ thống chỉ tiêu đánh giá khác nhau, phù hợp với hai đối tượng này.

Đo “sức khỏe” của DN, hiện VCCI đã có hai bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng hàng năm (MEI - Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ và PCI - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) được đánh giá khá tốt. Vậy, Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN sắp tới do Tổng cục Thống kê xây dựng có gì khác biệt?

Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN sẽ tập trung đánh giá và phản ánh mức độ phát triển DN của cả nước và của từng địa phương; phản ánh kết quả và chất lượng sản xuất (kết quả đầu ra) của khu vực DN chia theo địa phương.

Dự kiến có 8 nhóm chỉ tiêu sẽ được biên soạn và công bố hàng năm, đánh giá mức độ phát triển DN của từng địa phương và cả nước. Một là, mức độ phát triển về số lượng DN: Số lượng DN đang hoạt động, thành lập mới, giải thể, quay trở lại hoạt động… Hai là, mức độ phát triển về lao động: Số lượng, chất lượng lao động, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Ba là, mức độ thu hút vốn đầu tư và tài chính. Bốn là, đầu tư và phát triển khoa học công nghệ. Năm là, chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, tham gia các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Sáu là, phát triển bền vững: Xử lý chất thải bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Bảy là, kết quả, hiệu quả phát triển DN: Doanh thu, thu nhập của người lao động, giá trị gia tăng, lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách nhà nước… Và tám là các chỉ tiêu khác bổ sung hàng năm phù hợp với sự phát triển của DN. 

Khi được phê duyệt, lộ trình thực hiện Đề án sẽ như thế nào? Và để bảo đảm hiệu quả của các chỉ tiêu đánh giá, Đề án có đưa ra yêu cầu đối với các đơn vị liên quan?

Sau khi Đề án được phê duyệt, Tổng cục Thống kê sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan biên soạn bộ chỉ tiêu phản ánh mức độ phát triển DN. Hàng năm, Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN và VCCI tổ chức họp báo công bố bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN của các địa phương vào ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Dự kiến, bắt đầu từ cuối năm 2018, Tổng cục Thống kê sẽ biên soạn và công bố bộ chỉ tiêu đầy đủ với khoảng 40 đến 50 chỉ tiêu.

Về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, Đề án chủ yếu yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện một số công việc chủ yếu như: Chia sẻ, cung cấp các thông tin liên quan phục vụ biên soạn bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN hàng năm của từng địa phương và cả nước; tổ chức tuyên truyền về mục tiêu, nội dung của Đề án và tình hình triển khai thực hiện Đề án. Với các địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, cung cấp thông tin theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời chỉ đạo các DN trên địa bàn cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan được phân công phục vụ tổng hợp và biên soạn bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN.

Chuyên đề