Đạm Ninh Bình lỗ nặng: Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau sẽ... thẳng tiến?

Tháng 5/2016, thông tin Nhà máy Đạm Ninh Bình phải dừng hoạt động vì lý do thua lỗ khiến thị trường dậy sóng.
Giá khí đầu vào thấp, giá bán đạm đang tăng trở lại... và cả sự dừng bước của Đạm Ninh Bình sẽ giúp Đạm Phú Mỹ thẳng tiến
Giá khí đầu vào thấp, giá bán đạm đang tăng trở lại... và cả sự dừng bước của Đạm Ninh Bình sẽ giúp Đạm Phú Mỹ thẳng tiến

Đầu tư vào lĩnh vực đạm, phân bón, đòi hỏi quy mô vốn lớn, nhưng thu hồi vốn lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, khiến rào cản gia nhập thị trường trở nên rất lớn. Điều này đã tạo ra cơ hội cho chính các doanh nghiệp đạm hiện tại, nhất là với 2 ông lớn Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau.

Cạnh tranh khốc liệt khiến đạm ninh bình dừng bước

Giai đoạn cao điểm, giá bán đạm urê ở mức 11.000 - 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2015, giá dầu thô sụt giảm mạnh kéo theo giá khí sụt giảm, cùng với tình trạng khó khăn của lĩnh vực nông nghiệp, sự gia tăng của nguồn cung đạm nhập khẩu… đã khiến giá đạm rơi không phanh. Nửa đầu năm 2016, giá bán đạm urê tại khu vực phía Nam thậm chí chỉ còn dưới 6.000 đồng/kg.

Ở mức giá này, để có lãi, doanh nghiệp hoặc phải được ưu đãi về giá nguyên vật liệu đầu vào (như Đạm Cà Mau), hoặc phải là doanh nghiệp đã khấu hao hết tài sản cố định (như Đạm Phú Mỹ). Nhưng Đạm Ninh Bình không phải doanh nghiệp như vậy.

Đi vào hoạt động năm 2012, đúng năm đỉnh cao của ngành đạm, nhưng là “lính mới” nên việc tiếp cận thị trường của Đạm Ninh Bình gặp khó khăn hơn các đối thủ khác. Trong khi đó, đầu tư lớn, chất lượng nhà máy không cao, dây chuyền hay hỏng hóc… dẫn tới chi phí sản xuất bị đội lên nhiều. Ngay năm đầu tiên, Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỷ đồng. Đến năm 2013, mặc dù vẫn là năm rất tốt của ngành đạm, nhưng khi các yếu tố khó khăn vẫn hiện hữu, Đạm Ninh Bình ghi nhận lỗ kỷ lục 759 tỷ đồng. Các năm 2014, 2015, Nhà máy lần lượt lỗ 500 tỷ đồng và 370 tỷ đồng. Từ tháng 3/2016, Nhà máy ngừng hoạt động. 4 năm xuất hiện trên thương trường, Đạm Ninh Bình chi 12.000 tỷ đồng đầu tư và nhận kết quả thua lỗ tới 2.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể hiện trạng nhà máy hỏng hóc, ô nhiễm môi trường.

Câu chuyện của Đạm Ninh Bình là một minh chứng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp gia nhập lĩnh vực sản xuất đạm. Hiện tại, công suất thiết kế các nhà máy đạm trong nước đã lớn hơn nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, các nhà máy như Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ luôn duy trì công suất thực tế vượt công suất thiết kế. Cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường đạm rất căng thẳng từ thực tế này.

Từ năm 2010, Đạm Phú Mỹ luôn sản xuất vượt khoảng 20.000-50.000 tấn so với công suất thiết kế 800.000 tấn/năm, trong khi Đạm Cà Mau ngay cả trong giai đoạn khó khăn của đầu năm 2016, công suất thực tế cũng duy trì mức vượt xấp xỉ 10% công suất thiết kế. Đó là chưa tính đến yếu tố cung đạm nhập khẩu từ nước ngoài về, có giá rẻ hơn giá đạm bán bởi các nhà cung cấp trong nước.

Công suất thiết kế các nhà máy vượt khoảng 200.000 tấn nhu cầu hiện thời, cộng thêm yếu tố hàng nhập khẩu, và việc sản xuất vượt công suất thiết kế của 2 ông lớn đầu ngành, dư địa thực tế cho Đạm Ninh Bình, hay Đạm Hà Bắc trên thực tế nhỏ hơn nhiều so với con số tính toán.

Yêu cầu đầu tư lớn, dẫn đến khấu hao và áp lực lãi vay, chưa kể đến chênh lệch tỷ giá hối đoái, khiến chi phí sản xuất của Đạm Ninh Bình lớn. Để có thể kinh doanh có lãi, ngay cả khi hệ thống nhà máy được đầu tư bài bản, vận hành trơn tru, thì doanh nghiệp cũng còn phải chịu chi phối bởi rất nhiều yếu tố như: diễn biến thị trường đầu ra và đầu vào của nhà máy, lãi suất, tỷ giá…, và thêm vào đó là áp lực cạnh tranh với những ông lớn đã có vị thế tốt trên thị trường.

Cùng kinh doanh một loại sản phẩm, nhưng diễn biến giảm giá khí và giá đạm vô tình lại mang lại lợi thế đặc biệt cho Đạm Phú Mỹ, vì đã hoàn tất khấu hao Nhà máy, giúp Đạm Phú Mỹ có thể bán sản phẩm ở mức giá thấp hơn bất kỳ doanh nghiệp cùng lĩnh vực nào khác. Khấu hao xong nhà máy, đến năm 2016 hoàn tất khấu hao các phần tài sản khác sẽ giúp Đạm Phú Mỹ có cơ hội vượt xa kế hoạch kinh doanh năm mà Tổng công ty đã đặt ra.

Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau, với việc Chính phủ cho phép cơ chế điều tiết giá khí đảm bảo tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 12% đến năm 2018, cũng là đơn vị ít chịu ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực này.

Cơ hội với Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, nguồn cung phân bón urê trong nước chủ yếu từ 4 “ông lớn”, với tổng công suất đạt 2.660.000 tấn mỗi năm. Trong số này, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là 2 nhà máy có công suất lớn nhất, đều đạt 800.000 tấn/năm. Đạm Ninh Bình có công suất thiết kế 560.000 tấn và Đạm Hà Bắc công suất thiết kế 500.000 tấn/năm. Khi Đạm Ninh Bình ngừng hoạt động, nguồn cung giảm đi sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp còn lại.

Trong năm 2015, bất chấp thị trường đạm trong nước gặp nhiều khó khăn, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (mã DPM), đơn vị quản lý, vận hành nhà máy Đạm Phú Mỹ vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, với doanh thu 9.765 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.488 tỷ đồng. Chưa bằng với kết quả kinh doanh thời kỳ đỉnh cao (năm 2011 với hơn 3.100 tỷ đồng), nhưng việc tăng mạnh lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ so với năm 2014, cùng với con số chia cổ tức ấn tượng lên tới 40% vốn điều lệ bằng tiền – trái ngược hoàn toàn với kết quả kinh doanh thua lỗ của Đạm Ninh Bình, đã cho thấy vị thế vượt trội của Tổng công ty trên thị trường.

Diễn biến giá dầu giảm sâu đầu năm 2016, sự trở lại của giá bán đạm sau khi Elnino kết thúc và đặc biệt là việc kết thúc khấu hao vào cuối năm 2016 giúp tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng chi phí khấu hao mỗi năm…, sẽ là những yếu tố tạo ra sức bật cho Đạm Phú Mỹ giai đoạn tới.

Ngược lại, Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Cà Mau (mã DCM) - đơn vị vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau, dù vẫn phải đối mặt với áp lực lãi suất và tỷ giá, nhưng cơ chế đảm bảo ROE 12% lại là đai đảm bảo an toàn cho bất kỳ hoàn cảnh nào. Và điểm kỳ vọng nhất cho 2 doanh nghiệp này, chính là những dự án mới.

Cuối năm 2015, Đạm Phú Mỹ đã chạy thử và đưa vào hoạt động thành công nhà máy UFC85/Formaldehyde, một chất phụ gia quan trọng trong quá trình sản xuất urê giúp tăng chất lượng sản phẩm. Dự kiến, sản phẩm này sẽ đóng góp khoảng 200 tỷ đồng doanh thu trong năm 2016.

Trong 2 năm tới, dự án trọng điểm của Đạm Phú Mỹ là tổ hợp dự án NH3 (mở rộng) – Nhà máy NPK Phú Mỹ với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động năm 2017, DPM sẽ tăng công suất xưởng NH3 thêm 20% công suất hiện hành lên mức 540.000 tấn/năm. Sản phẩm NH3 tăng thêm được sử dụng làm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất phân bón NPK Phú Mỹ có công suất 250 ngàn tấn/năm và một phần nhằm đáp ứng nhu cầu NH3 trong nước; Nhà máy NPK Phú Mỹ sẽ tập trung vào phân khúc NPK chất lượng cao.

Năm 2015, Đạm Phú Mỹ đã nhập khẩu sản phẩm NPK về và bán với thương hiệu NPK Phú Mỹ, với sản lượng 90.000 tấn. Đây là bước chuẩn bị cho việc đưa sản phẩm NPK do Đạm Phú Mỹ sản xuất vào thị trường nhà máy đi vào hoạt động, là động lực tăng trưởng lợi nhuận cho Tổng công ty trong các năm tới.

Đến năm 2017, Đạm Cà Mau dự kiến sẽ đưa nhà máy sản xuất NPK vào hoạt động, kèm thêm một số sản phẩm mới. Đặc biệt, thu nhập từ các hoạt động này sẽ được tính ngoài mức ROE cam kết 12% của Chính phủ. Trong khi đó, số liệu ước tính của Đạm Cà Mau cho thấy, khi nhà máy NPK hoạt động đầy đủ công suất, Tổng công ty có thể tăng được khoảng 30% hiệu quả kinh doanh trên vốn.

Việc dừng lại của Đạm Ninh Bình và kế hoạch kinh doanh mới của Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau mở ra kỳ vọng hiệu quả cao hơn trong giai đoạn tới với 2 DN này. Tuy nhiên, rủi ro với các DN ngành đạm nằm ở yếu tố thị trường, cụ thể là giá bán sản phẩm và mức độ xâm nhập của hàng ngoại.

Chuyên đề