Đại gia Dương Ngọc Minh 6 năm liền không nhận thù lao

Lần gần nhất ông Minh nhận thù lao cho chức danh Chủ tịch HĐQT Hùng Vương là vào năm 2013 với mức 10 triệu đồng mỗi tháng.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương - ông Dương Ngọc Minh.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương - ông Dương Ngọc Minh.

Theo tờ trình phiên họp thường niên vào cuối tháng này, Công ty cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán: HVG) xin ý kiến cổ đông thông qua việc không chi thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Đây là năm thứ sáu liên tiếp Hùng Vương thực hiện điều này từ khi tình hình kinh doanh có dấu hiệu đi xuống.

Lần gần nhất công ty thông báo chi thù lao cho ban lãnh đạo là năm 2013. Khi đó Chủ tịch Dương Ngọc Minh và các thành viên Hội đồng quản trị nhận 10 triệu đồng một tháng, còn thành viên Ban kiểm soát nhận 5 triệu đồng.

Báo cáo tài chính niên độ 2017-2018 cũng cho thấy công ty không chi lương và các chi phí liên quan khác cho ban lãnh đạo, kể cả Ban Tổng giám đốc. Trong khi đó, số tiền này được ghi nhận vào niên độ 2016-2017 là 21 tỷ đồng.

Ngoài việc cắt thù lao, Hùng Vương còn đề xuất cổ đông không chia cổ tức năm thứ tư liên tiếp nhằm khắc phục tình trạng âm vốn do kinh doanh thua lỗ, dù mục tiêu lãi trước thuế năm nay là 100 tỷ đồng.

Cổ đông của doanh nghiệp này được nhận cổ tức lần gần nhất vào năm 2015, khi đó công ty phát hành hơn 37,83 triệu cổ phiếu phổ thông cho tỷ lệ 20% trên vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng bị âm 424 tỷ đồng. Công ty sau đó phải chuyển 140 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển về lợi nhuận để bù đắp phần thâm hụt.

Báo cáo tài chính niên độ 2017-2018 công bố cách đây không lâu cho thấy hiện nợ phải trả của Hùng Vương lên đến 6.440 tỷ đồng. Dù giảm 3.300 tỷ đồng so với đầu năm nhưng vay ngân hàng vẫn chiếm hơn phân nửa trong cơ cấu nợ phải trả, tương ứng 3.358 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn nhất của "vua cá tra" là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi tổng số dư bằng đôla Mỹ và đồng Việt Nam lên đến 2.146 tỷ đồng. Hai khoản này lần lượt đáo hạn vào tháng 6 và tháng 8 năm nay.

Công ty do ông Dương Ngọc Minh làm chủ tịch còn vay ngắn hạn 620 tỷ đồng từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) với lãi suất 5,3-7% một năm. Đây là khoản nợ có giá trị lớn thứ hai, phát sinh từ giữa tháng 10/2017 và đáo hạn vào cuối tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9 năm ngoái, công ty chưa thanh toán phần vay đến hạn trả 550 tỷ đồng và đang xin ngân hàng chấp thuận giãn thời gian thanh toán trong vòng tám năm tiếp theo.

Chuyên đề