Covid-19 thổi bay lợi nhuận doanh nghiệp hàng không

(BĐT) - Ngành hàng không đang phải chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 khi lượng hành khách giảm sút trầm trọng. Theo ước tính của Hãng hàng không Vietnam Airlines, tích lũy trong 4 - 5 năm qua của doanh nghiệp đã bị “thổi bay” về con số 0. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận hành cảng sân bay và cung cấp dịch vụ liên quan đến hàng không cũng đưa ra ước tính lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm 2020.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến quý IV/2020, Vietnam Airlines dự kiến doanh thu cả năm ước đạt 38.140 tỷ đồng và con số lỗ lên tới 19.651 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến quý IV/2020, Vietnam Airlines dự kiến doanh thu cả năm ước đạt 38.140 tỷ đồng và con số lỗ lên tới 19.651 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Quý I/2020, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ước doanh thu hợp nhất đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019, còn lợi nhuận âm 2.383 tỷ đồng. Vietnam Airlines dự kiến, nếu dịch kéo dài đến quý IV/2020, tổng doanh thu cả năm ước đạt 38.140 tỷ đồng và con số lỗ có thể lên tới 19.651 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là 18.588 tỷ đồng. Với con số ước lỗ của năm 2020, Hãng hàng không quốc gia thậm chí âm vốn chủ sở hữu tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Vietnam Airlines hiện đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, Tổng công ty buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn. Đứng trước tình hình khó khăn, mới đây, Vietnam Airlines công bố kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân sự, giảm lương toàn bộ lao động, thậm chí cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.

Mới đây, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm với lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động. Uỷ ban cũng nhấn mạnh việc Vietnam Airlines đang rất khó khăn và đề nghị hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) - doanh nghiệp khai thác, vận hành 21/22 sân bay dân dụng tại Việt Nam - ước tính doanh thu quý I/2020 đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 17%; lợi nhuận ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 47%; lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 86% so với kế hoạch. Như vậy, 3 quý còn lại, ACV dự kiến lỗ 381 tỷ đồng.

Mức lợi nhuận ước tính này giảm sâu hơn so với dự báo trước đó. Cuối tháng 2/2020, ACV dự kiến lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh cả năm 2020 đạt 1.700 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2019.

Là doanh nghiệp kinh doanh các cửa hàng bán lẻ thương hiệu Lucky, cửa hàng miễn thuế, biển quảng cáo, suất ăn hàng không tại các sân bay lớn của cả nước, Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco (Taseco Airs) cũng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Công ty cho biết, doanh thu năm 2020 có thể giảm đến 41% so với năm 2019 từ 1.140 tỷ đồng xuống còn 670 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước giảm từ 263,1 tỷ đồng xuống còn 26,7 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất từ năm 2015 trở lại đây.

Kế hoạch kinh doanh 2020 của Công ty được xây dựng dựa trên giả định dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào tháng 7, thị trường hồi phục và trở lại bình thường từ tháng 9. Trường hợp diễn biến dịch thay đổi, HĐQT Công ty sẽ điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với thực tế kinh doanh.

Trong khi đó, Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) cho biết, nhóm khách hàng quốc tế mục tiêu của Công ty là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (chiếm gần 50% doanh thu) giảm sâu từ đầu tháng 2/2020. Với kịch bản khả quan nhất là dự kiến dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào cuối tháng 4/2020, Công ty ước doanh thu năm nay đạt 2.140 tỷ đồng, giảm 69% và lợi nhuận trước thuế giảm từ 445 tỷ đồng xuống còn 185,8 tỷ đồng.

Chuyên đề