'Con cưng' Bộ Giao thông nợ hơn 33.000 tỷ đồng

CIPM Cửu Long rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên đến 218 lần.

Báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm của Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - CIPM Cửu Long ghi nhận tổng nguồn vốn tăng mạnh so với thời điểm đầu năm, lên trên 33.400 tỷ đồng. Chiếm đến 99,5% trong số này (tương đương 33.256 tỷ đồng) là các khoản nợ phải trả được ban lãnh đạo CIPM Cửu Long lý giải đến từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác dùng để giải ngân cho các dự án mà Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp thực hiện và quản lý.

Với vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý II năm nay xấp xỉ 150 tỷ đồng, CIPM Cửu Long thuộc nhóm doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao nhất, lên đến 218 lần. Hệ số này phản ánh tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động kinh doanh sẽ bị đình trệ.

Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2017 của CIPM Cửu Long cũng từng nêu ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản nợ hơn 32.000 tỷ đồng. Cụ thể, đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán (cuối tháng 3/2018), các khoản công nợ liên quan đến dự án đầu tư xây dựng mà tổng công ty được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ quản lý vẫn chưa nhận được phản hồi đối chiếu và xác nhận đầy đủ.

CIPM Cửu Long là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, do Bộ Giao thông vận tải đại diện sở hữu. Doanh nghiệp này được thành lập vào giữa năm 2011 trên cơ sở chuyển đổi, tổ chức lại Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và hai công ty khác theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Vốn điều lệ theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổng công ty là 1.500 tỷ đồng, nhưng thực góp đến giữa năm nay mới hơn 136 tỷ đồng.

CIPM Cửu Long đang đảm nhiệm hàng loạt dự án trọng điểm từ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện, nghiệm thu, bàn giao đến quyết toán. Tổng công ty ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính đến giữa năm nay của công trình kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 14.200 tỷ đồng, đường hành lang ven biển phía Nam hơn 5.500 tỷ đồng, đường cao tốc TP HCM – Trung Lương 5.560 tỷ đồng...

Dù vậy, kết quả kinh doanh nhiều năm liên tiếp của CIPM Cửu Long lại rất khiêm tốn. Điển hình như doanh thu thuần nửa đầu năm nay đạt hơn 53 tỷ nhờ các giao dịch với đơn vị chủ quản, trong khi lợi nhuận sau thuế chưa đến một tỷ đồng. Bình quân doanh thu và lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2014-2017 cũng chỉ đạt lần lượt 136 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

Trước gánh nặng nợ ngày càng tăng, hồi đầu năm, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu lại CIPM Cửu Long theo hướng sáp nhập vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận từ một phần tổng công ty.

Cuối tháng 9, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý chủ trương này và yêu cầu quá trình thực hiện không làm gián đoạn quản lý, thực hiện các dự án, thất thoát tài sản và phát sinh các tranh chấp liên quan.

Chuyên đề