Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước: Xử lý hơn 400 câu hỏi, vướng mắc

(BĐT) - Số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chậm cổ phần hoá là rất lớn, song đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được văn bản của bộ, ngành, địa phương nào đề nghị lùi tiến độ. Mặt khác, cơ quan này cũng đã giải đáp hàng trăm câu hỏi đề nghị gỡ vướng của quá trình này, đồng thời chuyển rất nhiều vướng mắc khác sang các bộ, ngành có liên quan.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là những nội dung đáng chú ý tại cuộc họp báo về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN” ngày 19/11 tại Bộ Tài chính.

Phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng

Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, trong 11 tháng năm 2018, mới có 11 DNNN được cổ phần hoá, trong đó có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách năm 2017 và chưa có doanh nghiệp nào thuộc danh sách năm 2018 theo kế hoạch tại công văn trên.

Đáng chú ý, hai địa phương “đầu tàu” về cổ phần hoá doanh nghiệp đều lỡ hẹn với kế hoạch đặt ra. Cụ thể, TP. Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 14 doanh nghiệp, trong đó, kế hoạch năm 2018 là 11 doanh nghiệp và 3 doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2017. TP.HCM theo kế hoạch phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp. Đến nay, cả hai thành phố này đều chưa cổ phần hoá được đơn vị nào.

Trả lời câu hỏi của Báo Đấu thầu về thông tin TP.HCM xin lùi kế hoạch cổ phần hoá, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính khẳng định, đến thời điểm này, Cục vẫn chưa nhận được văn bản nào từ các bộ, ngành, địa phương về việc xin lùi tiến độ thực hiện cổ phần hoá và thoái vốn. Mọi phương án lùi (nếu có) cũng đều phải được giải trình lý do cụ thể. Đồng thời, theo quy định, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương xin hoãn kế hoạch cổ phần hoá phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng tôi đã đôn đốc hai địa phương này vì việc chậm cổ phần hoá. Kế hoạch cổ phần hoá của hai thành phố này là do UBND của hai thành phố đăng ký thực hiện về cả số lượng và tiến độ. Do đó, nếu muốn hoãn thì hai địa phương này phải giải trình cụ thể và phải được Thủ tướng chấp thuận. Nếu không làm đúng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo Luật Công chức”, ông Tiến nhấn mạnh.

Bộ Tài chính cho biết, trường hợp cần điều chỉnh danh mục cổ phần hóa, thoái vốn, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2018 và nêu rõ tiến độ, cơ quan thực hiện làm cơ sở để Thủ tướng phê duyệt và các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát, kiểm điểm tiến độ thực hiện.

Đã và đang xử lý hơn 400 câu hỏi, vướng mắc

Nhận xét về các nguyên nhân làm chậm tiến độ cổ phần hóa DNNN, ông Tiến nêu một trong những hạn chế đáng chú ý là việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Từ phía Bộ Tài chính, bên cạnh việc đôn đốc các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, cơ quan này còn tiếp nhận các ý kiến vướng mắc và tháo gỡ. Ông Tiến cho biết, đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã nhận được khoảng 400 câu hỏi. Nhiều câu hỏi đã được cơ quan này giải đáp cặn kẽ, nhiều câu hỏi khác đã được chuyển sang các bộ, ngành liên quan để trả lời cụ thể cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất, để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.

Chuyên đề