Cổ phần hóa DNNN: Đất đai không còn là “miếng mồi” ngon

(BĐT) - Nhiều ý kiến gần đây cho rằng, tình trạng cổ phần hóa chậm trễ do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước từ xác định giá trị đất khi cổ phần hóa trong quá khứ, khiến công tác này không thể xem nhẹ.
Việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất là một nội dung quan trọng để đảm bảo sự minh bạch trong cổ phần hóa DNNN. Ảnh: Tường Lâm
Việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất là một nội dung quan trọng để đảm bảo sự minh bạch trong cổ phần hóa DNNN. Ảnh: Tường Lâm

Không để đất đai làm méo mó việc chọn nhà đầu tư chiến lược

Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có đất đai nằm ở nhiều địa phương nên khó xác định giá trị doanh nghiệp kịp thời. Trình tự phê duyệt phương án sử dụng đất trong cổ phần hóa hiện nay được thực hiện theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 167/2017/NĐ-CP mất nhiều thời gian. Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) đồng thời là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa hiện nay.

Còn theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), một số quy định, đặc biệt là về phương án sử dụng đất được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, thời gian thực hiện dài, công tác xác định giá trị doanh nghiệp bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước dẫn đến quy trình thực hiện kéo dài hơn.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về những ý kiến này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính giải thích: “Các quy định mới về cổ phần hóa là cụ thể hóa quy định nêu tại các nghị quyết của Đảng, Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định của Chính phủ về quản lý đất đai nhằm thúc đẩy việc tuân thủ quy định pháp luật. Việc này trước đây chưa làm hoặc làm chưa tốt nên cần phải có cách làm tích cực hơn trong thời gian tới”.

Cũng theo ông Tiến, thực tế, nhiều mảnh đất buộc phải kê khai lại, xác định lại mục đích sử dụng đất nên sẽ mất thời gian hơn.

Theo đó, trường hợp DNNN thực hiện cổ phần hoá, việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất là một nội dung quan trọng để đảm bảo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai, nhà cửa.

Từ đó giúp cho nhà đầu tư thấy rõ được thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh, tiềm năng phát triển của DN theo đúng ngành nghề kinh doanh của DN. Tránh tình trạng cậy nhờ vào lợi thế đất đai dẫn đến méo mó trong chọn nhà đầu tư chiến lược, hay là nguyên nhân để các nhà đầu tư cơ hội tham gia nhằm khai thác lợi thế quỹ đất, thay vì hỗ trợ DN sau cổ phần hóa đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả ngành nghề kinh doanh chính.

“Tất cả những quy định hiện hành sẽ giúp việc quản lý, sử dụng đất đai rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn không chỉ từ phía Nhà nước mà cho cả DN và người dân, loại trừ sự không rõ ràng và tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng đất đai vừa qua”, ông Tiến nói. 

Cần chế tài xử lý nghiêm

Những quy định mới sẽ ngăn chặn các nhà đầu tư với mục đích đầu cơ đất đai khi tham gia cổ phần hóa. Công tác giám sát sử dụng đất đai cũng đòi hỏi thực hiện thường xuyên hơn, công khai và minh bạch hơn.
Quá trình cổ phần hóa DNNN đã cho thấy nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước. Trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để các nhà đầu tư tham gia quá trình cổ phần hóa.

Theo sát quá trình này nhiều năm qua, ông Đặng Quyết Tiến nói: “Trước đây, từng có tình trạng nhiều nhà đầu tư trông chờ vào đất khi tham gia cổ phần hóa DNNN. Cùng với việc thực thi pháp luật đất đai không nghiêm, mục đích tận dụng lợi thế từ đất khiến cho quá trình cổ phần hóa DNNN đã từng gây ra tình trạng thất thoát tài sản nhà nước từ đất đai, sử dụng đất đai không đúng mục đích”.

Ông Tiến cho rằng, giờ đây, những quy định mới sẽ ngăn chặn các nhà đầu tư với mục đích đầu cơ đất đai khi tham gia cổ phần hóa. Công tác giám sát sử dụng đất đai cũng đòi hỏi thực hiện thường xuyên hơn, công khai và minh bạch hơn. Như vậy, môi trường đầu tư chắc chắn sẽ công khai, minh bạch hơn.

Trong quá trình thực hiện, có thể DN sẽ thấy nhiều vướng mắc về trình tự thủ tục trong xác lập hồ sơ, chứng từ cho sự minh bạch, hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai và tài sản nhà nước tại DN, song đây là điều cần làm. 

“Để làm tốt và có kết quả, từ phía cơ quan nhà nước, cần tiếp tục đẩy nhanh, mạnh cải cách thủ tục hành chính; từ phía DN, đòi hỏi sự quyết tâm, trách nhiệm của người đứng đầu DNNN, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; Chính phủ cũng cần bổ sung các biện pháp giám sát, kiểm tra cùng với chế tài xử lý nghiêm minh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, nhà cửa”, ông Tiến nói.

Cùng quan điểm về việc cần xem xét trách nhiệm trong việc làm chậm cổ phần hóa, đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: “Đề nghị Chính phủ cần có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cổ phần hóa, cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DN”.

Chuyên đề