Chuyển động tích cực trong cơ cấu đầu tư

(BĐT) - Cùng với sự cải thiện của môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng cao. 
Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân ước đạt 42,2% năm 2018. Ảnh: Hoài Tâm
Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân ước đạt 42,2% năm 2018. Ảnh: Hoài Tâm

Với chuyển động tích cực này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, nguồn lực trong khu vực kinh tế tư nhân sẽ được khai thông hơn nữa, chắc chắn sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. 

Những tín hiệu đáng mừng

Theo Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng cao trong nền kinh tế, ước đạt 42,2% năm 2018, cao hơn năm 2017 (40,6%). Con số này năm 2016 là 38,9% và bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 38,6%.

Với kết quả tích cực này, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, đó là nhờ 3 yếu tố chính. Thứ nhất, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với phát triển khu vực kinh tế quan trọng này, từ đó, tạo niềm tin để họ bỏ vốn đầu tư kinh doanh. Thứ hai, công tác thể chế tiếp tục được đổi mới, nhiều chính sách dần đi vào cuộc sống kích thích khối tư nhân đầu tư kinh doanh. Một yếu tố quan trọng nữa là môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện rất lớn. Công tác cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rốt ráo…

Phân tích thêm chuyển động tích cực từ khối DN tư nhân, bên lề Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, số DN thành lập mới liên tục gia tăng; còn số DN giải thể, phá sản ngày càng giảm. “Nếu xét trong giai đoạn 2012 - 2018, thì từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động đã giảm còn khoảng 60 - 65% so với số DN được thành lập mới. Trong khi đó, trung bình giai đoạn năm 2012 - 2015, tỷ lệ này khoảng 80 - 90%, nghĩa là, xét về dài hạn, số DN giải thể đang giảm dần so với số DN đăng ký mới”, ông Cung chỉ rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, khu vực kinh tế tư nhân đang dần trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. Số DN thành lập mới liên tục tăng, vốn đăng ký và giải ngân của khu vực này cũng cải thiện đáng kể. Điều này cho thấy môi trường đầu tư của nền kinh tế ngày càng cải thiện theo hướng tích cực, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. 

Tiếp tục tháo gỡ các rào cản

Bên cạnh những tín hiệu tích cực nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế trong thời gian tới, trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ cũng như quyết liệt thực hiện. Đơn cử như Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nhưng công tác triển khai Luật vào cuộc sống vẫn chưa được như mong đợi. Việc triển khai Luật cần quyết liệt hơn nhằm hỗ trợ hiệu quả cho DN nhỏ và vừa - chính là hỗ trợ cho khối kinh tế tư nhân phát triển. Đây cũng là giải pháp để DN nhỏ và vừa Việt Nam đủ sức lớn lên và có khả năng kết nối, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Các địa phương cần hết sức lưu ý trong việc xem xét các vướng mắc của khối DN này, từ đó có các giải pháp kịp thời, đồng bộ để triển khai Luật hiệu quả”, Bộ trưởng đề nghị.

Mặc dù khu vực tư nhân đang lớn lên, song ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, môi trường đầu tư cho khu vực này vẫn còn không ít rào cản. Điều này thể hiện ở sự bấp bênh về mặt pháp lý và tính không dự đoán được trong triển khai thực hiện. “Chúng ta vẫn can thiệp hành chính quá nhiều vào hoạt động của DN thông qua việc thanh tra, kiểm tra còn trùng chéo gây mất thời gian, chi phí cho DN. Thực tế có không ít DN phải giải thể để thành lập DN mới, bởi nếu không họ sẽ bị thanh kiểm tra hoặc những thay đổi về pháp lý tác động tới hoạt động kinh doanh của họ”, ông Cung cho biết.

Cùng với đó, chi phí về thực thi chính sách và kinh doanh ở nước ta còn cao, rủi ro kinh doanh vẫn còn… Trên cơ sở đó, lãnh đạo CIEM nhấn mạnh, thể chế cần tiếp tục được cải cách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích DN yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh và phát triển.

Chuyên đề