Chuyển động mới tại “siêu ủy ban”

(BĐT) - Được thành lập vào tháng 2/2018, đến nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) - cơ quan sẽ quản lý 820 nghìn tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhà nước cùng 1,5 triệu tỷ đồng tài sản của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - đang có những chuyển động để đi vào hoạt động. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đánh giá, hoạt động của Ủy ban sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN vốn đang chậm trễ hiện nay.

Thử nghiệm hệ thống quản “online” sức khỏe DNNN

Thông tin tại một hội thảo về đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DNNN mới đây, một đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho biết, cơ quan mới thành lập này đang vận hành thử nghiệm Hệ thống quản lý trực tuyến với DNNN. Đây là một trong những bước đi quan trọng để Ủy ban nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo các chuyên gia kinh tế, để giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN thì dữ liệu thông tin phải trở thành nguồn lực quan trọng nhất để quản trị khối DN này. Tuy nhiên, thời gian qua, thông tin chưa trở thành công cụ giám sát hiệu quả, bởi thiếu thông tin đầy đủ, có tính xác thực... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của khối DNNN còn yếu kém. Khắc phục bất cập này, Ủy ban xây dựng Hệ thống quản lý trực tuyến DNNN nhằm quản “online” sức khỏe DN, giúp Ủy ban giám sát khối DN này một cách thường xuyên, liên tục, từ đó có thể đưa các quyết định quản lý đúng đắn, nhanh và hiệu quả hơn.

Hệ thống này có nhiều thông tin đa dạng, cần thiết cho quản lý và đặc biệt là tương thích, liên kết với hệ thống Chính phủ điện tử. Đáng chú ý, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, Hệ thống còn sử dụng các thuật toán, phân tích dữ liệu, kể cả áp dụng trí tuệ nhân tạo cho công tác dự báo và ra quyết định.

Như vậy, với hệ thống quản lý trực tuyến này, Ủy ban sẽ có công cụ quan trọng nhất, đó là thông tin cập nhật và đầy đủ để thực hiện trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN. Tình trạng DNNN thua lỗ, gây thất thoát, nhưng không ai chịu trách nhiệm sẽ không thể tái diễn. Quan trọng hơn, đây là cơ sở để có một hệ thống dữ liệu lớn - “big data” - của khu vực DNNN nhằm phục vụ công tác quản trị, cung cấp thông tin cho thị trường.

Để hoàn chỉnh Hệ thống, dự kiến trong tuần này (ngày 31/7), Ủy ban sẽ tổ chức hội thảo về bộ chỉ số chung và phần mềm ứng dụng phục vụ giám sát, đánh giá DN theo chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban. 

Tích cực kiện toàn bộ máy nhân sự

Về công tác nhân sự, theo thông báo gần đây của các cơ quan chức năng, bộ máy nhân sự của Ủy ban đang dần được kiện toàn. Đầu tháng 7 này, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo cho biết, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

Trước đó (tháng 2/2018), người đứng đầu Ủy ban là ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, đã được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Theo các nguồn tin, đến nay, hàng chục cán bộ có chuyên môn từ các bộ, ngành cũng đã được biệt phái về Ủy ban nhằm kiện toàn bộ máy nhân sự. Về vấn đề này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, điểm khác biệt của Ủy ban so với các đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện hữu là sự tách bạch chức năng chủ sở hữu ra khỏi các bộ, chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tạo môi trường kinh doanh công bằng, nhưng cũng là bước cơ bản để chủ sở hữu nhà nước thực sự tuân thủ theo đúng nguyên tắc quản lý và kinh tế thị trường. Do đó, nhân sự tại Ủy ban đòi hỏi phải có chuyên môn cao, công tác tuyển chọn cũng rất chặt chẽ.

Một chuyển động khác liên quan đến vấn đề chuyển giao DNNN về Ủy ban là nhiều khả năng từ nay tới cuối năm 2018, nhiều DN trong danh sách khoảng 20 DNNN sẽ chuyển về Ủy ban. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, việc chuyển giao này cần phải theo lộ trình, tránh cùng một thời điểm gây nên những xáo trộn.

Cho dù còn nhiều việc phải làm để Ủy ban có thể vận hành một cách trơn tru, đưa khối DNNN hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, song những động thái trên  từ Ủy ban đang góp phần cổ vũ cho những nỗ lực của Chính phủ để kiến tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, công bằng cho DN và người dân.

Chuyên đề