Chụm đầu vực lại mặt trận kinh tế

(BĐT) - Lực lượng doanh nghiệp (DN) đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế đang bị tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 với nhiều DN rơi vào tình trạng “đóng băng” hoạt động. Trong bối cảnh Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong phòng, chống dịch, ngày 9/5 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN để hiệu triệu cộng đồng DN tham gia hiến kế cùng Chính phủ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Trong tháng 4 vừa qua, cả nước có gần 4.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Phú An
Trong tháng 4 vừa qua, cả nước có gần 4.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Phú An

Vực dậy doanh nghiệp sau “ngủ đông”

Tại cuộc Họp báo thông tin về Hội nghị tổ chức ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, đời sống xã hội đang từng bước trở lại hoạt động bình thường. “Hội nghị như là lời hiệu triệu của Thủ tướng với cộng đồng DN, qua đó hiến kế phát triển kinh tế, tạo thành phong trào, chiến dịch phục hồi nền kinh tế”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Hội nghị sẽ không phân tích nhiều vào những khó khăn, vướng mắc mà tập trung lắng nghe các ý kiến hiến kế, tham mưu của cộng đồng DN với Chính phủ, các bộ, ngành để cùng xây dựng cơ chế chính sách mới nhằm có sự đồng hành hơn nữa giữa Chính phủ, bộ ngành, địa phương với cộng đồng DN…

Thông tin về tình hình “sức khỏe” DN trong 4 tháng đầu năm 2020, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT đánh giá, lực lượng DN đang bị tổn thất lớn bởi dịch bệnh. DN trong các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, hàng không, hậu cần du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục… đã rơi vào tình trạng “ngủ đông” trong suốt 3 tháng qua.

Dẫn số liệu quả khảo sát gần 130.000 DN được Tổng cục Thống kê thực hiện vào cuối tháng 4/2020, ông Hùng cho biết, có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Doanh thu quý I/2020 của DN giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ 2019. Dự kiến, doanh thu 4 tháng đầu năm nay của DN tiếp tục giảm xuống còn gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động đăng ký gia nhập thị trường của DN. So với cùng kỳ năm ngoái, DN thành lập mới 4 tháng năm nay sụt giảm về quy mô DN, số vốn bổ sung, đặc biệt là số DN tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn tăng lên tới 33,6% - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2015 - 2020.

Trong khi đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm nhẹ so với cùng kỳ 2019.

Những tín hiệu tích cực

Theo ông Lê Mạnh Hùng, từ khi dịch Covid-19 ảnh hưởng tới Việt Nam, Bộ KH&ĐT đã có các hoạt động nắm bắt khó khăn, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN. Trên cơ sở đó, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 với 7 nhóm giải pháp.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều quyết sách quan trọng được các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời như: gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; gói tín dụng 285.000 tỷ đồng hỗ trợ cho DN thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; gói chính sách tài khóa 180.000 tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP);…

Về phía DN, trong khó khăn, cộng đồng DN Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Các DN chủ động có giải pháp tự giải cứu, nhiều sáng kiến được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới…

Mặc dù dịch Covid-19 khiến nhiều DN phải tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, song ông Tuấn cho rằng, số lượng DN tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh như vừa qua chỉ là trạng thái “ngủ đông” nhằm theo dõi diễn biến của dịch bệnh. Theo ông Tuấn, dịch bệnh chỉ là khó khăn nhất thời, niềm tin kinh doanh của DN mới là yếu tố quan trọng. Những biện pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch cũng như các gói hỗ trợ tháo gỡ khó khăn được Chính phủ ban hành đang tạo niềm tin rất lớn đối với cộng đồng DN. Ông Tuấn cho biết, trong tháng 4 vừa qua, cả nước có gần 4.000 DN quay trở lại hoạt động, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy một bộ phận DN đã tái khởi động, quay trở lại thị trường.

Ở góc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, nhờ những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ cùng các bộ, ngành suốt thời gian qua cũng như kết quả tích cực trong công tác phòng, chống Covid-19, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế trong kế hoạch chuyển dịch dòng vốn đầu tư. Dù đang trong giai đoạn khó khăn, thu hút FDI của Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả khả quan, tăng mạnh so với cùng kỳ các năm 2016 - 2018, vốn cấp mới và điều chỉnh đều tăng. Đặc biệt, theo ông Hoàng, tình hình thu hút FDI những tháng cuối năm được dự báo có thể tăng trở lại và tạo đà cho năm 2021.

Chuyên đề