Chủ tịch VCCI: Cần đưa ra những chỉ tiêu cụ thể trong liên kết DN “nội – ngoại”

(BĐT) - Doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện diện ở Việt Nam đến nay đã tròn 30 năm, thế nhưng sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước chưa được như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp. Trong khi đó, đa phần các DN nội lại chưa thể sản xuất được các sản phẩm hỗ trợ đáp ứng yêu cầu của các DN FDI.

Trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đến lúc trong hoạt động thúc đẩy liên kết giữa DN nội và DN FDI cần đưa ra những yêu cầu cụ thể hơn nhằm hướng tới lợi ích chung.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Thưa ông, câu chuyện liên kết DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hướng tới lợi ích chung không phải bây giờ chúng ta mới đề cập mà đã nhắc đến từ lâu, song kết quả chưa như mong đợi. Liệu đã đến lúc chúng ta đặt ra những kết quả cụ thể chứ không chỉ là câu chuyện liên kết lỏng lẻo một cách chung chung?

Năm nay, chúng ta tổng kết 30 năm sự hiện diện của FDI tại Việt Nam. Chúng ta vui mừng trước những đóng góp của FDI với nền kinh tế Việt Nam để tăng cường xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm và đưa những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam ra thị trường thể giới. Bên cạnh thành công này thì vẫn còn có điểm chúng ta chưa hài lòng, đó là sức lan tỏa của dòng vốn FDI trong nền kinh tế còn thấp. Hình ảnh “chàng trai FDI” đã có mặt tại Việt Nam đến 30 năm nhưng vẫn chưa thể kết hôn được với những cô gái là các DN Việt Nam. Hệ số chuyển giao công nghệ của DN FDI sang DN Việt cũng rất khiêm tốn. Vừa rồi có một thông tin khiến chúng ta vừa vui lại vừa buồn. Đó là để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất kinh doanh sắp tới, Tập đoàn Samsung đang có kế hoạch đưa vào Việt Nam hơn 200 nhà cung ứng của họ. Đây là tin vui khi chúng ta thu hút thêm nhiều nhà đầu tư FDI hơn, nhưng nếu các nhà cung ứng đó cho Samsung là các DN nội địa thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn.

Một giai đoạn mới của FDI cần gắn với yêu cầu nâng cao trình độ công nghệ gắn với lan tỏa công nghệ từ yêu cầu kết nối DN hướng tới phát triển chung. Do đó, đến lúc chúng ta cần phải đưa ra những chỉ tiêu cụ thể về việc này để định hướng dòng vốn đầu tư FDI thành chương trình đồng bộ, từ thể chế đến kết nối với các DN, thúc đẩy liên kết. Trong vấn đề này, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc trong liên kết DN trong nước và DN FDI. Đây không chỉ là trách nhiệm của các DN FDI mà còn là trách nhiệm của Chính phủ và các địa phương. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay chính là làm sao nâng cấp được năng lực nội địa, nhất là DNNVV kể cả về công nghệ và quản trị. Khi nâng cấp được công nghệ và quản trị, các DN nội địa sẽ đạt chuẩn mực quốc tế, khi đó chắc chắn kết nối được với FDI.

Có lần, khi làm việc với tỉnh Thái Nguyên và Samsung, tôi đã đề cập một yêu cầu cụ thể  đối với hoạt động kết nối này như một mô hình đi đầu thúc đẩy kết nối DN nội – ngoại. Trong cuộc làm việc này, tôi cũng đề xuất các địa phương nên có một Quỹ hỗ trợ DNNVV để hỗ trợ khối DN này vươn lên, kết nối vào chuỗi giá trị của Samsung. Nước ta hiện có hơn 500.000 DN, nếu cùng lúc hỗ trợ tất cả vươn lên đạt chuẩn mực toàn cầu và kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu là rất khó, do đó, chúng ta có thể lựa chọn những DN ưu tú nhất, có tiềm năng nhất và hướng các chính sách hỗ trợ giúp nâng cấp, kết nối DN với nhau. Đây là biện pháp có thể thực hiện được, bởi hiện nay nhiều nước trên thế giới đã thành công, và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Tôi tin Samsung cũng như các DN FDI khác sẽ sẵn sàng hợp tác cùng với Chính phủ và chính quyền địa phương và các DN Việt Nam triển khai theo hướng này. Chính sự “cắm rễ” sâu của các DN FDI vào nền kinh tế Việt Nam thông qua sự kết nối với các DN nội địa của Việt Nam đang trở thành yêu cầu rất quan trọng trong giai đoạn mới của Việt Nam. Đây cũng là yêu cầu nhằm phát triển bền vững của dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như phát triển bền vững ngành công nghiệp của nước ta.

Tại VBF giữa kỳ 2018 vừa diễn ra, các ý kiến nói nhiều đến liên kết FDI trong công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng rõ ràng các lĩnh vực khác đang có rất nhiều tiềm năng như: Du lịch, nông nghiệp... Ông đánh giá như thế nào về mối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế về các lĩnh vực này?

Đây là nội dung cần thiết, nhưng tôi cho rằng tiềm năng hợp tác giữa DN trong nước và DN nước ngoài trong những lĩnh vực khác mà Việt Nam có nhiều lợi thế là rất lớn, thậm chí lớn hơn cả ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Vì thế, trong bối cảnh phát triển mới, những lợi thế đặc sắc của kinh tế Việt Nam như: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… cũng chính là tiềm năng để thúc đẩy liên kết DN nội địa và DN FDI.

Thúc đẩy liên kết DN “nội – ngoại” là yêu cầu bức thiết nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn rất yếu?

Trong thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng trong thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ đã ban hành Nghị định về thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên khung khổ pháp lý để thúc đẩy ngành công nghiệp này ở nước ta là chưa đủ. Hơn nữa, bản thân cộng đồng DNNVV trong nước cũng cần có những chính sách yểm trợ tốt hơn để có thể nâng cao năng lực, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc cung ứng các phụ tùng, linh kiện cho các tập đoàn xuyên quốc gia.

Vừa rồi, VCCI cũng có một nghiên cứu về thực trạng phát triển, năng lực quản trị của các DNNVV Việt Nam cho thấy, trong tương quan so sánh quốc tế không chỉ là môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều điểm cần tiếp tục cải cách để vươn tới chuẩn mực tiên tiến nhất của khu vực thì nổi lên vấn đề trình độ quản trị của DNNVV cũng có khoảng cách lớn với các nền kinh tế trong khu vực. Rút ngắn khoảng cách này, chúng ta cần có chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, từ đó hỗ trợ DN trong nước kết nối với các DN FDI xuyên quốc gia. Về phía VCCI, chúng tôi đang dự kiến sẽ có một chương trình phối hợp với các tổ chức quốc tế và các hiệp hội DN nhằm lựa chọn ra những DN ưu tú nhất trong từng ngành công nghiệp, ở từng địa phương để triển khai hỗ trợ họ phát triển và kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Một trong những giải pháp thúc đẩy liên kết DN “nội –ngoại”  là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thế nhưng, đến thời điểm này còn nhiều Bộ vẫn chậm trễ trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh?

Sức nóng cải cách hết sức mạnh mẽ, quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều bộ ngành, địa phương chưa tích cực thúc đẩy cải cách thể chế, nhất là trong việc thực hiện mệnh lệnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Đến nay, ngoài Bộ Công Thương hoàn thiện việc rà soát trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định vê điều kiện kinh doanh; 4 Bộ khác đã dự thảo nghị định xin ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp; còn lại nhiều bộ ngành khác chưa biết họ đang triển khai như thế nào. Thậm chí, tôi còn biết đến thời điểm này vẫn còn có Bộ chưa tiến hành rà soát, đánh giá, trong khi đó ngày 31/10 tới là thời hạn cuối cùng ban hành văn bản thực hiện yêu cầu này.

Như vậy, sức nóng và quyết tâm cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa trở thành hành động của tất cả các bộ ngành và chính quyền địa phương. Do dó, yêu cầu kỷ luật, kỷ cương cho vấn đề này đang đặt ra rất bức thiết.                                                                                                                                 

Chuyên đề