Chủ động tiếp cận kinh tế số

(BĐT) - Cơ sở pháp lý, chính sách của Việt Nam để phát triển kinh tế số được đánh giá đã tương đối đầy đủ. 
DN chưa sẵn sàng ứng dụng các công nghệ của kinh tế số chủ yếu do nguồn nhân lực chưa đáp ứng. Ảnh: Minh Khuê
DN chưa sẵn sàng ứng dụng các công nghệ của kinh tế số chủ yếu do nguồn nhân lực chưa đáp ứng. Ảnh: Minh Khuê

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, các doanh nghiệp (DN) phải hiểu được tầm quan trọng, lợi ích của công nghệ để chủ động chuyển đổi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu ứng dụng tốt các công nghệ của kinh tế số, DN có thể tạo thêm 60 tỷ USD đến năm 2030.

Doanh nghiệp chưa sẵn sàng với công nghệ số

Trong khuôn khổ công bố Sách trắng 2019, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã dành phần lớn thời lượng để thảo luận các vấn đề liên quan đến đổi mới và số hóa công nghiệp của Việt Nam.

Về môi trường pháp lý cho sự phát triển của kinh tế số, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương dẫn ra các nghiên cứu, phân tích của một tổ chức quốc tế về sự đáp ứng kinh tế số, công nghệ số của Việt Nam theo 4 nhóm. Một là, các giao dịch điện tử, nhóm này Việt Nam có khá nhiều cơ sở pháp lý như Nghị định 26/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử; Luật Giao dịch điện tử 2005. Hai là liên quan đến an toàn mạng, Việt Nam đã có cơ sở pháp lý khá vững chắc, đó là Luật An ninh mạng 2018. Ba là việc bảo vệ dữ liệu, Việt Nam đã có Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật Công nghệ thông tin 2006. Bốn là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. “Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có tương đối đầy đủ cơ sở pháp lý, chính sách cho phát triển kinh tế số” - ông Hải nhấn mạnh.

EuroCham cũng tiến hành thống kê, so sánh về môi trường pháp lý đáp ứng kinh tế số của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, hiện mới có 78% các quốc gia trong khu vực có cơ sở pháp lý nhóm 1; 38% các nước đáp ứng nhóm 2; nhóm 3 là 45% và nhóm 4 là 70%. Cơ sở pháp lý về kinh tế số, công nghệ số của Việt Nam được đánh giá là tương đối đầy đủ so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, việc tiếp cận kinh tế số, công nghệ số cũng không phải là thách thức lớn với Việt Nam khi chúng ta có hạ tầng, hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với nhiều công nghệ tiên tiến. Nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện hơn nữa trong tiếp cận công nghệ số.

Tuy nhiên, rào cản đối với kinh tế số tại Việt Nam lại là sự sẵn sàng áp dụng của các DN. Theo khảo sát của Bộ Công Thương tại 2.659 DN vào năm 2018 về sự sẵn sàng của DN đối với sử dụng các công nghệ của kinh tế số, kết quả cho thấy phần lớn các DN công nghiệp chưa sẵn sàng. Sự chưa sẵn sàng ở đây chủ yếu liên quan đến vấn đề nhân sự chưa đáp ứng.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, thách thức với phát triển kinh tế số của Việt Nam nằm ở con số 98,1% DN là nhỏ và vừa với đặc thù dễ thành lập nhưng cũng dễ giải thể. Do đó, việc giúp đội ngũ DN này tiếp cận và phát triển được trong nền kinh tế số là thách thức lớn. 

Có thể tạo thêm 30 - 60 tỷ USD tới năm 2030

Qua nghiên cứu sâu rộng về tác động và lợi ích của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nền kinh tế Việt Nam, TS. Đặng Quang Vinh - Phó Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nếu DN tăng cường ứng dụng công nghệ mới, tận dụng tốt các cơ hội do thương mại điện tử và nền kinh tế số mang lại thì đến năm 2030 chúng ta sẽ tạo được thêm từ 30 - 60 tỷ USD.

Chính phủ đang có định hướng chính sách giúp DN chuyển tiếp và có được lợi thế từ kinh tế số qua 3 chương trình chính: xây dựng cơ chế chuyển đổi; xây dựng kết cấu hạ tầng để hỗ trợ quá trình chuyển tiếp; các DN có thể áp dụng công nghệ đó và tự mình tạo thêm công nghệ để bổ sung cho chính DN. Ngoài ra, Chính phủ sẽ có thêm những cải cách về thể chế, pháp luật để tạo điều kiện cho kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới được thử nghiệm tại Việt Nam.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam đang xây dựng, định hướng những kỹ năng mới, kỹ năng kỹ thuật số. Qua đó, nguồn nhân lực trước đây có thêm việc làm, tạo ra được công nghệ mới.

Theo ông Vinh, quan trọng nhất là DN phải hiểu được tầm quan trọng, lợi ích của công nghệ, tìm cách tiếp cận tín dụng, đơn vị tư vấn, từ đó chủ động, sẵn sàng chuyển đổi. Chính phủ sẽ là cầu nối giúp DN và nguồn nhân lực tiếp cận những yếu tố này.

Theo khuyến nghị của EuroCham, để phát triển công nghiệp 4.0 và tạo thuận lợi cho DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình số hóa nền kinh tế và tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành công nghiệp; tiếp tục triển khai các sáng kiến tích cực như Chính phủ điện tử, kinh tế số và xã hội số, hợp lý hóa và hiện đại hóa các thủ tục hành chính cho DN và người dân.

Chuyên đề