Chắp nối hợp tác DN Việt - Nhật

(BĐT) - Trong thời gian gần đây, số lượng các đoàn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Nhật Bản sang Việt Nam tìm hiểu thị trường, cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh ngày càng gia tăng. 
Sự hiện diện của 30 doanh nghiệp Nhật Bản tại Hội thảo cho thấy mối quan tâm của DN Nhật Bản đối với Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Long
Sự hiện diện của 30 doanh nghiệp Nhật Bản tại Hội thảo cho thấy mối quan tâm của DN Nhật Bản đối với Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Long

Nhận biết được cơ hội, nhưng không phải DN Việt Nam nào cũng tìm được tiếng nói chung với các đối tác tiềm năng này. Vậy, đâu là giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hai bên có thể nắm tay nhau cùng phát triển?

Nhu cầu hợp tác rất lớn

Hội thảo Đối thoại kinh tế Việt Nam - Nhật Bản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức ngày 25/2, tại Hà Nội, có sự hiện diện của 30 DN Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, vận tải sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Theo ông Kobayashi Yoichi - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mê Kông thuộc JCCI, đây là một trong những minh chứng rõ nhất về mối quan tâm hiện nay của DN Nhật Bản đối với Việt Nam.

Hiện số lượng DN hội viên của JCCI tại Việt Nam đã vượt qua con số 1.900 DN với mức đầu tư lên tới trên 86 tỷ USD. Qua con mắt của nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam được đánh giá là cơ sở sản xuất sản phẩm xuất khẩu lớn trên thế giới và là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, vô cùng hấp dẫn các nhà đầu tư với gần 100 triệu dân và kết nối với cả thị trường ASEAN. Do đó, nhiều DN Nhật Bản kỳ vọng sẽ mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, đoàn DN của Nhật Bản sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thăm và khảo sát thực tế tại tỉnh Hà Nam.

Đặc biệt, do Nhật Bản cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Shinichiro Shimizu - Giám đốc Hãng hàng không Japan Airlines đánh giá, hai nước có nhiều triển vọng hợp tác phát triển về du lịch, vận chuyển hàng hóa và hành khách. Trong đó, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao, thương mại điện tử, thực phẩm tươi sống ngày càng gia tăng. Thời gian qua, hai nước đã tổ chức thành công các hoạt động văn hóa du lịch gắn với thương mại, đầu tư. Do đó, dư địa để hợp tác đầu tư kinh doanh về du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao... của DN hai nước còn rất lớn, nhất là cơ chế hợp tác công - tư.

Hiện có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã hiện diện tại Việt Nam, nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, chưa có nhiều DNNVV. Do đó, có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác ở cấp doanh nghiệp này. Theo dự báo, Việt Nam sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các DN của Nhật Bản và các quốc gia khác, không chỉ là các tập đoàn lớn xuyên quốc gia, mà còn có cả những DNNVV. 

Chắp nối cơ hội hợp tác

Nhiệm vụ trọng tâm được VCCI và JCCI đặt ra trong thời gian tới là triển khai các biện pháp hỗ trợ DNNVV của Việt Nam và Nhật Bản tiếp xúc với nhau, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác. Hai bên sẽ phối hợp cung cấp thông tin về thị trường, mặt hàng, đối tác, chuyên gia tư vấn và là cầu nối cho các DN.
Mặc dù nhu cầu lớn như vậy, nhưng theo phản ánh của nhiều DN, việc tìm ra được tiếng nói chung giữa DN hai nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, các DN lớn thường có đủ thông tin, chuyên gia, nhân sự và có nhiều kinh nghiệm để thúc đẩy và chắp nối đầu tư kinh doanh trực tiếp. Nhưng đối với những DNNVV, họ đang gặp rất nhiều khó khăn từ thông tin thị trường, luật pháp, thủ tục hành chính... cho đến việc chắp nối với các đối tác nước ngoài. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm được hai hiệp hội đặt ra trong thời gian tới là triển khai các biện pháp hỗ trợ DNNVV của Việt Nam và Nhật Bản tiếp xúc với nhau, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác. Hai bên sẽ phối hợp cung cấp thông tin về thị trường, mặt hàng, đối tác, chuyên gia tư vấn và là cầu nối cho các DN.

Về phía Chính phủ, theo ông Lộc, cần có biện pháp thiết thực để hỗ trợ DNNVV cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Các chính sách phát triển CNHT hiện vẫn còn nửa vời, dù có nhiều tuyên bố nhưng chưa có nhiều hành động cụ thể. Do đó, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách đồng bộ, hợp lực giữa Chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và các DNNVV.

“Hiện DN lớn của nhiều nước đã có mặt tại Việt Nam, nhưng vấn đề là làm sao gia tăng tỷ lệ nội địa hóa hoạt động sản xuất của họ tại đây. Chúng ta đã nói nhiều về dây chuyền lắp ráp, đại công trường, nhưng các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam vẫn chủ yếu nhập nguyên liệu, phụ tùng, nên giá trị gia tăng của nền kinh tế không cao. Muốn tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế, cần phải thúc đẩy phát triển DNNVV của Việt Nam và kêu gọi hợp tác với các DNNVV của Nhật Bản trong lĩnh vực CNHT”, ông Lộc khuyến nghị.

Một trong những trở ngại, rào cản lớn hiện nay của các DNNVV Việt Nam, theo ông Lộc, là chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, chưa đáp ứng chuẩn chất lượng, quản trị... Cho nên, các DNNVV trong nước cần phải liên kết chặt chẽ với nhau trong chuỗi giá trị để tạo nên sức mạnh của “một bó đũa”, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và quản trị theo chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, bà Lê Thị Việt Nga - thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại quốc tế Mặt Trời Đỏ (Redsun - ITI Corporation) chia sẻ, yếu tố then chốt khi làm ăn với các DN FDI nói chung và DN của Nhật Bản nói riêng là chữ tín, đảm bảo về chất lượng, tiến độ và số lượng. Muốn làm được như vậy, các DN phải đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, với quy mô sản xuất đáp ứng yêu cầu của các đối tác. Ngoài ra, việc thực hiện trách nhiệm xã hội và đảm bảo chất lượng môi trường làm việc tại nhà máy, quan tâm tới người lao động cũng được các DN Nhật Bản đặc biệt coi trọng khi quyết định hợp tác lâu dài. Nhờ đáp ứng được những điều kiện đó, Công ty đã có những khách hàng trung thành trong suốt 10 năm nay.

Chuyên đề