Cải thiện môi trường kinh doanh chưa đồng đều

(BĐT) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh (ĐTKD), hơn ai hết, doanh nghiệp (DN) là đối tượng cảm nhận rõ nhất sự thay đổi của môi trường ĐTKD tại Việt Nam. 
Cải cách thủ tục khởi sự doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Ảnh: Tiên Giang
Cải cách thủ tục khởi sự doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Ảnh: Tiên Giang

Mặc dù ghi nhận có cải thiện đáng kể nhưng theo đánh giá của nhiều DN, kết quả đạt được chưa đồng đều, chưa thấm vào đâu so với nhu cầu phát triển.

Có cải thiện nhưng chưa đồng đều

Qua kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từ hơn 10.000 DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI cho biết, trong số 11 lĩnh vực được liệt kê (lĩnh vực thuế được tách thành 2 thủ tục hành chính là thuế và bảo hiểm xã hội), khởi sự DN và tiếp cận điện năng là hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất với tỷ lệ đánh giá có cải thiện tốt và rất tốt lần lượt là 72% và 69%. Trong khi đó, các lĩnh vực như thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản DN được xem là không có sự cải thiện nào. Một số tỉnh, thành phố được đánh giá tốt nhất về cải thiện chỉ số đăng ký kinh doanh là Trà Vinh, Bạc Liêu, Đà Nẵng, An Giang...

Về kết quả cắt giảm điều kiện ĐTKD, tính đến hết tháng 10/2018, các bộ, ngành đã có 15 nghị định về cắt giảm điều kiện ĐTKD được ban hành. Tuy nhiên, theo đánh giá của DN, mức độ thực chất của việc cắt giảm (bãi bỏ những điều kiện bất hợp lý, không minh bạch, không khả thi) giữa các bộ, thậm chí giữa các lĩnh vực khác nhau trong cùng một bộ là không đồng đều.

Trong khi đó, vào cuối tháng 10/2018, xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc so với năm 2018, xếp vị trí 69/190 quốc gia đánh giá. Trong 10 chỉ số đánh giá, nhiều chỉ số dù tăng điểm, song vẫn giảm bậc như: chỉ số cấp phép xây dựng; chỉ số tiếp cận tín dụng... Đặc biệt, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội giảm tới 45 bậc, chỉ số giải quyết phá sản DN vừa giảm điểm vừa giảm cả thứ hạng.

Những tín hiệu này cho thấy tốc độ cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam trong năm qua không được như kỳ vọng khi so sánh với các nước trong khu vực. Việt Nam cần cải cách thực chất, bao gồm tất cả các yếu tố của môi trường ĐTKD nhằm phục vụ DN một cách toàn diện... 

Cần tiến lên chuẩn CPTPP

Mới chỉ có 13% DN thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh trực tuyến, đa số mới chỉ dừng lại ở việc tra cứu thông tin về thủ tục hành chính trên website của cơ quan đăng ký kinh doanh (cấp độ 1, 2)...
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc cạnh tranh về thể chế giữa các quốc gia là rất quan trọng, chỉ có cạnh tranh về thể chế thì mới có thể tận dụng được các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA... Mặc dù khoảng cách giữa Việt Nam với ASEAN 4 dần được thu hẹp, nhưng chúng ta không thể cứ mãi loay hoay với khu vực ASEAN, mà phải vượt lên, tiến tới tiêu chuẩn của CPTPP.

“Thời gian qua, mặc dù Chính phủ rất rốt ráo đốc thúc việc thực hiện Nghị quyết 19 nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Điều này không thể tiếp diễn, Chính phủ cần phải cương quyết hơn”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục “gây áp lực, tạo động lực” trong cải cách thể chế, tạo môi trường ĐTKD thuận lợi. Cần có cơ chế nêu gương người đứng đầu trong việc thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao, đánh giá việc thực hiện, lấy đó làm tiêu chí đánh giá, sắp xếp cán bộ. Mặt khác, các hiệp hội cần tích cực hơn nữa, không thể thụ động ngồi chờ các cơ quan nhà nước thay đổi, mà phải chủ động buộc họ phải thay đổi.

“Đã đến lúc cần thực hiện một chính phủ không giấy tờ, từ cách tiếp cận, xử lý hồ sơ, đến thay đổi cách thức tiền kiểm, kiểm soát sang hậu kiểm. Nếu không thay đổi phương thức thì điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục mọc lại”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Liên quan đến chỉ số khởi sự DN, theo ông Đậu Anh Tuấn, để tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, không chỉ dựa vào sự cải thiện của thủ tục đăng ký kinh doanh, mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, liên thông như thuế, hải quan... Muốn làm được vậy phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông các thủ tục theo cơ chế một cửa, tăng tính minh bạch...

Ngoài những bất cập từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy một nghịch lý từ phía DN. Chẳng hạn như, phần lớn DN tham gia khảo sát đều đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục đăng ký DN, nhưng mới chỉ có 13% DN thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh trực tuyến, đa số mới chỉ dừng lại ở việc tra cứu thông tin về thủ tục hành chính trên website của cơ quan đăng ký kinh doanh (cấp độ 1, 2)...

Chuyên đề