Cải cách kiểm tra chuyên ngành chậm do thiếu quyết liệt

(BĐT) - Việc cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn chưa đạt mục tiêu của Chính phủ. Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện Dự thảo Đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” nhằm góp phần đẩy mạnh quá trình cải cách KTCN, giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Đến tháng 12/2019 vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng phải chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Tiên Giang
Đến tháng 12/2019 vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng phải chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Tiên Giang

Tổng cục Hải quan cho biết, trong những năm qua, công tác cải cách KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có những kết quả bước đầu. Đáng chú ý, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN trước thông quan giảm từ mức xấp xỉ 26% năm 2015 xuống mức 19,1% hiện nay. Tuy nhiên, con số này chưa đạt yêu cầu tỷ lệ dưới 10% của Chính phủ.

Cũng theo số liệu của cơ quan hải quan, đến tháng 12/2019 vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng phải chịu sự quản lý, KTCN. Như vậy, tỷ lệ cắt giảm trong 5 năm qua chỉ đạt 12.600/82.600 mặt hàng. Đây là con số rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ là phải cắt giảm được 50%.

Báo cáo đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) cho thấy, công tác KTCN vẫn còn nhiều điểm hạn chế.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là một số bộ, ngành còn thiếu quyết liệt và khẩn trương trong triển khai các nhiệm vụ để cải cách toàn diện hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thiếu sự kết nối, trao đổi và chia sẻ thông tin giữa cơ quan KTCN và cơ quan hải quan nên dẫn đến khó khăn cho quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, một số nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu chưa được áp dụng hoặc đã áp dụng nhưng chưa hiệu quả. Chẳng hạn, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định việc áp dụng phương thức kiểm tra giảm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai; Nghị định 74/2018/NĐ-CP quy định việc miễn giảm kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu trong thời hạn 2 năm, nhưng quy định phải có văn bản xác nhận miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra dẫn đến thực tế hàng hóa được miễn giảm kiểm tra là rất ít.

Theo ông Vũ Lê Quân, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan, những điểm hạn chế của KTCN đã và đang gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp và Nhà nước.

Ông Quân cho biết, Tổng cục Hải quan đang lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về việc xây dựng Đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Dự kiến trong quý I/2020, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn chỉnh Dự thảo Đề án báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Tại dự thảo này, Tổng cục Hải quan đề xuất mô hình mới nhằm đơn giản, chuẩn hóa, thống nhất quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu. Nguyên tắc xây dựng Đề án là tuân thủ đúng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm và các luật khác có liên quan, đồng thời kế thừa các quy định đã được triển khai tốt hiện nay. Theo mô hình mới, đầu mối duy nhất là cơ quan hải quan chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục kiểm tra cho doanh nghiệp.

Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu với các nhiệm vụ cụ thể gồm: Kiểm tra hồ sơ, thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với lô hàng nhập khẩu để thông quan; kiểm tra các lô hàng có nghi vấn về chất lượng hoặc kiểm tra ngẫu nhiên tại hiện trường trên cơ sở áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra bằng máy móc thiết bị tại hiện trường hoặc trưng cầu, giám định, thử nghiệm tại tổ chức giám định được chỉ định. Tổ chức này do doanh nghiệp lựa chọn và thông báo cho cơ quan hải quan.

Chuyên đề