Các thương vụ M&A đình đám năm 2019

(BĐT) - Nếu như những năm trước, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn do các nhà đầu tư ngoại chiếm thế chủ động, thì trong năm 2019, “sân chơi” M&A lại có nhiều dấu ấn của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là mảng bán lẻ - một trong những lĩnh vực hiếm hoi giữ được mức tăng trưởng 2 con số.
Việc sáp nhập VinCommerce và VinEco vào Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan là một trong những thương vụ M&A đình đám nhất năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Việc sáp nhập VinCommerce và VinEco vào Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan là một trong những thương vụ M&A đình đám nhất năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Theo một báo cáo phân tích phát hành tháng 7/2019, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tăng trưởng ngành bán lẻ luôn cao từ gấp rưỡi đến gấp 2 lần tăng trưởng GDP cả nước. Việc đầu tư vào ngành bán lẻ chính là đầu tư vào tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Động lực tăng trưởng của lĩnh vực này đến từ cơ cấu dân số vàng, tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh và tỷ lệ đô thị hoá cao.

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ càng trở nên sôi động và cạnh tranh hơn, một loạt thương vụ M&A đáng chú ý đã được ghi nhận trong năm 2019.

Một trong những thương vụ đình đám nhất năm là Tập đoàn Vingroup và Masan đạt thỏa thuận sáp nhập Công ty VinCommerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) vào Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ.

Theo đó, công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị, cửa hàng VinMart và VinMart + tại 50 tỉnh, thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco. Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, còn Vingroup đóng vai trò cổ đông tại công ty mới.

Trước đó, trong quá trình phát triển và xây dựng vị thế trên thị trường, Tập đoàn Vingroup đã mua lại một loạt chuỗi bán lẻ khác như: Ocean Mart, Vinatexmart, Fivimart, Shop&Go, Queenland Mart. Không ít các thương vụ M&A diễn ra trong giai đoạn 2018 - 2019, góp phần giúp chuỗi bán lẻ của Vingroup “phủ đỏ” hệ thống bán lẻ trong nước.

Cái “bắt tay” của hai tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam là minh chứng cho xu hướng liên kết của các doanh nghiệp nội nhằm tạo ra sức cạnh tranh mới, đối trọng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Năm 2019 cũng chứng kiến một số “tay chơi” ngoại rút lui khỏi thị trường bán lẻ, nhường “sân chơi” lại cho doanh nghiệp trong nước.

BIDV công bố cổ đông chiến lược KEB Hana Bank (Hàn Quốc)

Tháng 5/2019, sau 5 năm tham gia thị trường Việt Nam và không đạt được kết quả kinh doanh khả quan, nhà bán lẻ Pháp Auchan đã ra thông báo “chào tạm biệt” người tiêu dùng Việt Nam. Auchan đã tìm được đối tác nhận chuyển giao lại 15 cửa hàng là Saigon Co.op - một doanh nghiệp trong nước giàu tiềm lực và tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.

Những thương vụ M&A mà doanh nghiệp trong nước sắm vai “người mua” đã góp phần vẽ lại bức tranh ngành bán lẻ, vốn khá ảm đạm khi các chuỗi siêu thị Big C hay Metro về tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Ở một thương vụ M&A đáng chú ý khác trong ngành sữa, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa hoàn tất thâu tóm Công ty CP GTNFoods (mã chứng khoán: GTN) - công ty gián tiếp sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk). Theo đó, Vinamilk thông báo đã mua xong gần 78,6 triệu cổ phiếu GTN, tăng tỷ lệ sở hữu từ 43% lên 75% và chính thức trở thành công ty mẹ của GTNFoods. Mộc Châu Milk được kỳ vọng sẽ là “mảnh ghép” quan trọng để Vinamilk củng cố thêm vị thế trong lĩnh vực sản xuất sữa, góp phần giúp doanh nghiệp này tìm lại được tốc độ tăng trưởng.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cuối tháng 10/2019, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phát hành riêng lẻ 603,3 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Đây là giao dịch M&A với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Thương vụ này giúp nâng quy mô vốn điều lệ của BIDV lên mức 40.200,18 tỷ đồng, giải quyết phần lớn “cơn khát” vốn của nhà băng này khi thời điểm áp dụng các chuẩn mực an toàn mới theo Basel II đang gần kề.

Bên cạnh đó, BIDV còn nhận được chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn từ Tập đoàn Tài chính Hana và KEB Hana Bank, bao gồm nhưng không giới hạn trên 6 lĩnh vực: quản trị chiến lược phát triển ngân hàng; quản lý hệ thống công nghệ và ngân hàng số; tăng cường phát triển ngân hàng bán lẻ; đa dạng hóa danh mục tài sản sinh lời; quản trị rủi ro; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Quá trình tìm kiếm, đàm phán với đối tác nước ngoài để tiến hành chào bán riêng lẻ và tăng vốn của BIDV bắt đầu từ nhiều năm trước. Trong suốt quá trình này, BIDV nhiều lần thực hiện báo cáo, giải trình bổ sung với các cơ quan quản lý để xem xét phê duyệt phương án chào bán cổ phần. Phải tới tháng 7/2019, BIDV mới chốt giá bán toàn bộ 603,3 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank là hơn 20.295,1 tỷ đồng, tương ứng với 33.640 đồng/CP.

Trong khi BIDV gỡ được nút thắt tăng vốn vào phút chót, thì một số ngân hàng quốc doanh khác như VietinBank và Agribank vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên đề