Bước trượt dài của “ông lớn” ngành tôn Đại Thiên Lộc

(BĐT) - Từng được coi là một “ông lớn” trong ngành tôn mạ, Công ty CP Đại Thiên Lộc hiện “ngập” trong khó khăn do kinh doanh thua lỗ. Ngay trong quý I/2020, Công ty lỗ tới 95 tỷ đồng - mức cao nhất trong 10 năm gần đây. Lượng tiền mặt giảm từ 46 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm xuống còn 14,4 tỷ đồng vào cuối quý I/2020.
Với kết quả thua lỗ 2 năm liên tiếp, cổ phiếu DTL của Công ty CP Đại Thiên Lộc bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 27/4/2020. Ảnh: Tâm An
Với kết quả thua lỗ 2 năm liên tiếp, cổ phiếu DTL của Công ty CP Đại Thiên Lộc bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 27/4/2020. Ảnh: Tâm An

Công ty CP Đại Thiên Lộc (tiền thân là Công ty TNHH Đại Thiên Lộc) được thành lập từ năm 2001 với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng. Sau 10 lần tăng vốn, Công ty hiện hoạt động với mức vốn góp là 614 tỷ đồng.

Năm 2017, Công ty thiết lập kỷ lục về kết quả kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 3.171 tỷ đồng và 201 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước trượt dài của Công ty bắt đầu từ năm 2018 khi báo lỗ 17,2 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty đạt hơn 2.513 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 37,6% so với năm 2018. Sau khi trừ hết vốn và chi phí, Công ty báo lỗ hơn 140,469 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Bức tranh tài chính của Công ty tiếp tục không mấy sáng sủa trong 3 tháng đầu năm nay. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 400,6 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, chi phí giá vốn lên tới 447,1 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ âm 46,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính tăng nhẹ lên mức 21,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm mạnh xuống còn 2 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 9,5 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm tới 79,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng phải chịu một khoản chi phí khác lên tới 15 tỷ đồng. Điều này khiến Công ty lỗ ròng 95 tỷ đồng trong quý I/2020.

Công ty cho biết, nguyên nhân thua lỗ do giá tôn, thép trong nước biến động mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp trong ngành khiến kết quả kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, Công ty phải trích lập khoản dự phòng hàng tồn kho lên đến 52,6 tỷ đồng.

Tính đến 31/3/2020, Công ty có 1.723 tỷ đồng hàng tồn kho, gần như không đổi so với đầu kỳ và chiếm tới 64% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là thành phẩm và hàng hóa. Lượng tiền mặt của Công ty chỉ còn khoảng 14,4 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2020.

Về phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Công ty là 1.790 tỷ đồng, chiếm 66% trong tổng nguồn vốn. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.277 tỷ đồng (tăng gần 55 tỷ đồng so với đầu kỳ) và vay nợ thuê tài chính dài hạn 69,7 tỷ đồng (tăng 27 tỷ đồng so với đầu kỳ).

Với kết quả thua lỗ 2 năm liên tiếp, cổ phiếu DTL của Công ty bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 27/4/2020. Theo đó, cổ phiếu DTL sẽ bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận) từ ngày 27/4/2020. Nếu Công ty tiếp tục thua lỗ trong năm 2020 và số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thì cổ phiếu DTL sẽ bị hủy niêm yết.

Trước đó, tháng 9/2019, HĐQT Công ty cho biết đã nhóm họp và thông qua phương án lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ về việc huỷ niêm yết tự nguyện trên HOSE. Kết quả là không thông qua khi chỉ có 0,02% số phiếu biểu quyết “Đồng ý” của các cổ đông không phải là cổ đông lớn.

Chuyên đề