Biến động nhân sự Kiên Long nhiệm kỳ mới: Bầu Thắng sẽ rút lui

Cặp đôi Chủ tịch Võ Quốc Thắng và cựu Tổng giám đốc Võ Văn Châu, người vừa được bổ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch mới đây đều sẽ không ở lại KLB nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kiên Long Võ Quốc Thắng
Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kiên Long Võ Quốc Thắng

Ngân hàng TMCP Kiên Long (mã KLB-UPCoM) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 vào ngày 26/4 tới đây. Đồng thời cũng là Đại hội nhiệm kỳ, kỳ họp năm nay, các cổ đông sẽ lựa chọn HĐQT và BKS cho giai đoạn 2018-2023.

Mới đây, danh sách ứng cử cho các vị trí này cuối cùng cũng đã được ngân hàng công bố. Các cổ đông sẽ phải thực sự thực hiện trách nhiệm của mình khi có tới 8 ứng cử viên nhưng chỉ có 6 ghế trong HĐQT.

Chủ tịch đương nhiệm Võ Quốc Thắng không có tên trong danh sách này. Như đã đề cập trước đó, quy định mới trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng đã đưa ông Võ Quốc Thắng vào "thế khó" khi buộc phải đưa ra sự lựa chọn giữa Tập đoàn Đồng Tâm hay ngân hàng. Nhiệm kỳ mới của Kiên Long trùng đúng năm quy định về giới hạn đối với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng có hiệu lực.

Điều bất ngờ hơn, không chỉ ông Thắng, Phó Chủ tịch Võ Văn Châu cũng sẽ rời HĐQT nhiệm kỳ này. Ông Võ Văn Châu là Tổng giám đốc KLB từ tháng 10/2014 và vừa rời ghế điều hành ngày 24/2 vừa qua. Nguyên nhân miễn nhiệm ngay trước thềm ĐHĐCĐ 2 tháng được Kiên Long giải thích là để ông Châu tập trung vai trò của Phó chủ tịch HĐQT, cùng các thành viên trong HĐQT xây dựng định hướng, kế hoạch nhiệm kỳ 2018 – 2022.

Danh sách 8 ứng viên nhiệm kỳ này gồm 4 thành viên nhiệm kỳ cũ và 4 cái tên mới gồm Tổng Giám đốc Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kiểm soát Lê Khắc Gia Bảo, Phó TGĐ Lê Trung Việt và ông Trần Văn Trọng.

Năm 2018, Kiên Long đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 52,8% lên 405 tỷ đồng. Tăng trưởng huy động và tín dụng lần lượt là 17,88% và 19,15%. Dư nợ tín dụng đến cuối năm 2018 dự kiến đạt hơn 5.500 tỷ đồng.

Năm 2017, KLB đã cán đích kế hoạch lợi nhuận đề ra. Phương án cổ tức trình cổ đông sẽ vẫn như mục tiêu năm trước là 8% bằng tiền mặt. Tuy nhiên, KLB dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ đúng bằng 8%. Với kế hoạch trên, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 3.236 tỷ đồng. KLB dự kiến sẽ đầu tư vào tài sản cố định 95 tỷ đồng và bổ sung nguồn vốn kinh doanh 142 tỷ đồng.

Cái duyên “bén” với nghề ngân hàng của bầu Thắng đến từ năm 2013 khi ông bất ngờ thay ông Trần Phát Minh đảm nhận vị trí Chủ tịch KienLongBank. Mặc dù ông Thắng không sở hữu cổ phần nào, song con trai ông là Võ Quốc Lợi đang nắm 14,05 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,68%. Hay thành viên HĐQT KLB ông Phạm Trần Duy Huyền, hiện đang nắm 14,2 triệu cổ phần KLB (4,72%). Ông Huyền được liệt kê là người có liên quan với ông Võ Thành Phan – anh trai của ông Võ Quốc Thắng. Tính tổng cộng, số cổ phần ông Thắng và người liên quan sở hữu xấp xỉ 9,6% vốn.

Ghi nhận trong một nhiệm kỳ đầu giữ ghế nóng, lợi nhuận của ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng này đã giảm khá mạnh và mới bật lên trong năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu là giai đoạn 2013-2016, thu nhập lãi thuần liên tục giảm mạnh.

Chuyên đề